Cà phê đồn công an phi lợi nhuận - xu hướng mới ở Hàng Châu
VOV.VN - Đồ ăn, thức uống tại đây không khác nhiều những quán cà phê bên ngoài, nhưng kinh doanh theo hình thức phi lợi nhuận.
Thời gian gần đây, nhiều đồn công an ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Nam Trung Quốc có thêm dịch vụ cà phê. Các quán cà phê này ra đời chủ yếu nhằm phục vụ những người làm việc tại đây, nhưng giờ đây nó cũng cung cấp dịch vụ cho cả người dân.
Police Ideal Space, là quán cà phê mở trên tầng 2 của đồn công an Tường Phù, quận Củng Thự, thành phố Hàng Châu, có diện tích 65m2 . Khác với những quán cà phê thông thường, giờ mở cửa của Police Ideal Space là từ 7:30 sáng đến 7:30 tối, theo lịch làm việc của đồn.
Khai trương hồi tháng 8/2020, đây là quán cà phê đầu tiên được mở trong một đồn công an ở Hàng Châu. Đồ ăn, thức uống tại đây không khác nhiều những quán cà phê bên ngoài, nhưng kinh doanh theo hình thức phi lợi nhuận.
“Nếu bên ngoài giá 1 cốc Americano là từ 22-28 tệ, thậm chí 30 tệ (hơn 100.000 đồng Việt Nam), thì chúng tôi ở đây kinh doanh phi lợi nhuận, chỉ thu tiền vốn là 8 tệ (gần 30.000 đồng). Một cốc Latte là 12 tệ (hơn 40.000 đồng. Người dân địa phương cũng có thể dùng đồ của quán bằng cách gọi điện và lấy ngoài cổng đồn hoặc đặt qua các ứng dụng giao đồ ăn”, chị Vi Vi, chủ quán giới thiệu.
Khác với Police Ideal Space, quán Coffee Benny, tiếng Trung nghĩa là "cà phê đồng hành cùng bạn" được mở trong sân trụ sở công an quận Củng Thự. Tại đây, khách hàng có thể vừa trò chuyện, vừa thưởng ngoạn quang cảnh khu vườn ngoài trời, thậm chí dành thời gian bên gia đình vì quán có khu dành riêng cho phụ huynh và trẻ nhỏ.
Trong một tuyên bố của mình, công an quận này khẳng định, "mong muốn thiết lập một nơi ấm áp, vui vẻ và tràn ngập tình thương yêu” giúp các sĩ quan cảnh sát giảm bớt áp lực, mệt mỏi.
Không dừng lại là nơi nghỉ ngơi, xả hơi của công an, cảnh sát, các thông tin chống tội phạm lừa đảo qua mạng và viễn thông cũng được dán lên thân các cốc cà phê, nước uống gửi đến người dân. Đây là cách làm của quán Uncle Coffee ở đồn công an Xóm Chợ Gạo.
Anh Thi Húc Xuân, một cảnh sát tại đây chia sẻ: “Đã có một số người dân đến phản ánh, ngoài việc nhận được các cuộc điện thoại chống lừa đảo, khi đọc các câu chuyện của chúng tôi dán trên cốc của quán cà phê, họ đã tránh được bị lừa.”
Một số cư dân mạng bày tỏ lo ngại việc mở quán có thể ảnh hưởng đến danh tiếng và uy tín của công an, bởi nhiều người sẽ đến đây check-in và đăng hình lên mạng xã hội. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, các quán cà phê đang đóng vai trò như một kênh liên lạc giữa công an và công chúng, thậm chí có thể giúp cải thiện hình ảnh của họ trong mắt người dân.
Cùng với xu hướng mở quán trà sữa của bưu điện Trung Quốc và quán bún ốc của Tập đoàn lọc dầu Sinopec, việc mở quán cà phê trong đồn công an được nhận định như một nỗ lực của các doanh nghiệp truyền thống Trung Quốc trong việc mở ra các xu hướng kinh doanh mới trên thị trường./.