Cá “sông trong ao” không vào được một số siêu thị ở Hà Nội

VOV.VN - Phía siêu thị đề nghị mua cá sạch với giá như cá nuôi thông thường, chiết khấu lại cho siêu thị 30% và thanh toán sau 3 tháng bán cá.

Tại cuộc giao ban của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội định kỳ hàng tuần, mọi người rất ngạc nhiên và thú vị khi lãnh đạo huyện Thanh Trì giới thiệu về mô hình nuôi cá sạch "sông trong ao" lớn nhất phía Bắc của huyện, được coi là một điểm sáng của sản xuất nông nghiệp Thủ đô.

Từ một vùng đất trũng khó canh tác ở địa phương, HTX Đại Áng (thôn Đại Áng, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì) đã có nhiều công sức cải tạo thành khu nuôi cá có diện tích 10ha với 5 bể nuôi cá lớn theo tiêu chuẩn Vietgap. HTX đã mạnh dạn nhận với huyện nộp 300 triệu đồng/năm tiền thuê đất để sử dụng diện tích đất này.

"Sông trong ao" là một công nghệ nuôi cá sạch của Mỹ nhằm tạo dòng chảy ổn định trong một phạm vi hẹp, bơm oxy thường xuyên vào các bể cá. Nuôi cá bằng công nghệ này đảm bảo loại bỏ được các tạp chất không có lợi cho sinh vật nuôi, đồng thời tạo thuận lợi cho việc thu hoạch cá, làm sạch bể cá dễ dàng và thường xuyên. Trước đó, HTX xã đã mạnh dạn tham quan các mô hình nuôi cá ở trong nước và ở Mỹ. Chuyên gia nước ngoài đã nhiệt tình hướng dẫn cho HTX thực hiện mô hình này.

Chăm nuôi cá theo mô hình sông trong ao ở HTX Đại Áng.

Tuy nhiên, theo tâm sự của lãnh đạo huyện Thanh Trì và lãnh đạo HTX Đại Áng thì mô hình nuôi cá “sông trong ao” vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Cá sạch nuôi phải đầu tư lớn, chi phí cao song vì chưa có thương hiệu nên phải bán với giá như cá bình thường.

Thực tế là người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là cá sạch và cá không sạch. Đa phần cá khi thu hoạch, HTX đều bán cho thương lái, giá cá không ổn định trong khi khả năng cung cấp cho thị trường của HTX mỗi ngày từ 5-6 tấn cá.

HTX cũng luôn luôn muốn xây dựng thương hiệu cá sạch của Đại Áng và có khả năng nâng sản lượng tăng hơn nữa. Tuy nhiên khi chào bán mặt hàng này, một số siêu thị lấy mẫu đi xét nghiệm thì cho thấy, các tiêu chuẩn đều đảm bảo, nhưng khi đàm phán hợp đồng, phía siêu thị đề nghị HTX bán cá với giá như cá nuôi thông thường, chiết khấu lại cho siêu thị 30% và 3 tháng sau khi cá bán xong mới được thanh toán.

Điều đó khiến cho Ban chủ nhiệm HTX Đại Áng cho rằng, con đường để cá sạch vào các siêu thị quả là khó khăn. Nếu bán cá ra ngoài thị trường với giá như giá cá nuôi thông thường thì nguồn thu không đủ bù đắp chi phí. Trong khi chủ trương nhất quán của lãnh đạo huyện Thanh Trì là luôn đặt mục tiêu an toàn thực phẩm là trên hết, huyện cũng đã có những hỗ trợ một phần cho HTX trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Trưởng phòng kinh tế huyện Thanh Trì cho biết, hiện nay khó khăn nhất của các sản phẩm sạch, chất lượng cao là vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Vấn đề này đã được đề cập tại rất nhiều cuộc hội thảo chuyên đề về tháo gỡ cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tuy nhiên những điểm yếu cơ bản trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến phân phối tiêu dùng từ hàng chục năm nay vẫn chưa khắc phục được.

Bất cập chỉnh là ở chỗ, khâu sản xuất luôn được lợi nhuận phần nhỏ nhất, có khi thua lỗ do bị ép cấp, ép giá, trong khi phần lớn lợi nhuận còn lại rơi vào tay thương lái hoặc các khâu trung gian, xuất khẩu và bán lẻ.

Bức xúc trước tình trạng này khiến ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam đã phải thốt lên: “Chúng ta tập trung chăm lo cho phát triển sản xuất, song khâu trung gian, thương lái bán lẻ lại “ăn” quá nhiều lợi nhuận một cách vô lý”.

Thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã rất quyết liệt chỉ đạo việc xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, nông nghiệp chất lượng cao để mọi người dân được hưởng những thành quả về an toàn thực phẩm cho mọi bữa cơm các gia đình. Tuy nhiên, qua câu chuyện cá sạch ở Đại Áng nói trên cho thấy, điều mong muốn này của Chính phủ và mọi người dân đang gặp nhiều trở ngại, khó khăn.

Điều rất khó hiểu là mặc dù những hiện tượng rất rõ như đã nói ở trên thì Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Hiệp hội bán lẻ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, Hiệp Hội bảo vệ người tiêu dùng và Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) rất ít lên tiếng hoặc không lên tiếng bảo vệ cho người sản xuất.

Việt Nam đang trong xu thế xây dựng một nền kinh tế chia sẻ theo chỉ đạo của Chính phủ, việc đòi lại sự phân phối lợi nhuận một cách công bằng, hợp lý cho người nông dân trong chuỗi giá trị là hết sức cần thiết. Hơn nữa, mối quan hệ về phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị sản xuất phân phối - tiêu dùng chưa được công bằng, cần phải được xem xét lại.

Cũng từ thực tế thương trường đã đặt ra vấn đề cần thiết phải thành lập "Hiệp hội các nhà cung ứng hàng hóa Việt Nam” cho các siêu thị. Chính phủ và các Bộ, ngành và các cơ quan hữu quan, các Hiệp hội cần nghiên cứu một cách thấu đáo vấn đề cấp thiết này nhằm tháo gỡ những nút thắt còn tồn tại trong việc tổ chức sản xuất gắn với hệ thống phân phối nội địa ở Việt Nam hiện nay, góp phần vào việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xã hội trong năm 2019 và những năm tiếp theo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hàng Việt gặp khó khăn trong kênh phân phối hiện đại
Hàng Việt gặp khó khăn trong kênh phân phối hiện đại

VOV.VN - Cuộc cạnh tranh của hàng có xuất xứ Việt Nam với hàng hóa nhập ngoại vào kênh phân phối hiện đại đang ngày càng gay gắt.

Hàng Việt gặp khó khăn trong kênh phân phối hiện đại

Hàng Việt gặp khó khăn trong kênh phân phối hiện đại

VOV.VN - Cuộc cạnh tranh của hàng có xuất xứ Việt Nam với hàng hóa nhập ngoại vào kênh phân phối hiện đại đang ngày càng gay gắt.

Tăng thị phần của nước mắm truyền thống bằng đa dạng kênh phân phối
Tăng thị phần của nước mắm truyền thống bằng đa dạng kênh phân phối

VOV.VN - Các nhà sản xuất nước mắm truyền thống nên xây dựng các tiểu thương thành đại sứ cho sản phẩm của mình và đa dạng kênh phân phối.

Tăng thị phần của nước mắm truyền thống bằng đa dạng kênh phân phối

Tăng thị phần của nước mắm truyền thống bằng đa dạng kênh phân phối

VOV.VN - Các nhà sản xuất nước mắm truyền thống nên xây dựng các tiểu thương thành đại sứ cho sản phẩm của mình và đa dạng kênh phân phối.

Gỡ khó cho doanh nghiệp đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối ngoại
Gỡ khó cho doanh nghiệp đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối ngoại

VOV.VN - Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội kết nối và được hỗ trợ thêm thông tin để tham gia đưa sản phẩm trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài,

Gỡ khó cho doanh nghiệp đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối ngoại

Gỡ khó cho doanh nghiệp đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối ngoại

VOV.VN - Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội kết nối và được hỗ trợ thêm thông tin để tham gia đưa sản phẩm trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài,