Cá tra Việt Nam luôn hướng đến mục tiêu chất lượng
Nhiều vùng nuôi và doanh nghiệp chế biến đã được công nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế, thu hút nhiều khách hàng của hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
>> WWF hãy giữ tính khách quan, trung thực và minh bạch
>> WWF đã nhầm lẫn
Kinh tế vùng ĐBSCL chủ yếu dựa vào nông nghiệp và thủy sản, chiếm đến 52% tổng GDP toàn vùng. Trong đó, tôm và cá tra, cá ba sa là những sản phẩm chủ lực đóng góp lớn vào tỷ trọng xuất khẩu.
Nhận thấy được thế mạnh và lợi thế cạnh tranh nên nhiều năm qua, ngành công nghiệp sản xuất, chế biến cá tra của Việt Nam đã luôn hướng đến mục tiêu chất lượng.
Được chấp nhận ở 120 thị trường
3 địa phương có diện tích lớn là Đồng Tháp, An Giang và thành phố Cần Thơ tạo ra nguồn nguyên liệu cá tra số lượng lớn cho các nhà máy chế biến thủy sản. Từ năm 2003 đến nay, tại các vùng nuôi cá tra xuất khẩu ở Đồng Tháp, An Giang – những vùng nuôi cá tra lớn nhất Việt Nam hiện nay đều đã áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong chăn nuôi. Trong đó, nhiều vùng nuôi của hai tỉnh này đã đạt tiêu chuẩn Global GAP – Tiêu chuẩn quốc tế trong chăn nuôi cao nhất hiện nay.
Điển hình như Công ty Cổ phần Thuỷ sản Gentraco, Cần Thơ hiện đang nuôi 60 ha cá tra tại Chợ Mới An Giang theo tiêu chuẩn này. Theo đó, công ty đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải bằng các kênh, máng; sử dụng bèo lục bình để lắng đọng nước thải 1 tuần, khi đảm bảo sạch mới thải ra môi trường. Bên cạnh đó, đội ngũ kỹ sư của công ty còn tự nghiên cứu, đưa các chế phẩm sinh học an toàn vào chăm sóc cho cá.
Còn ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp Hội nghề nuôi và chế biến thủy sản tỉnh An Giang khi trao đổi với PV Đài TNVN đã khẳng định việc nuôi cá tra ở địa phương từ lâu đã theo hướng an toàn: “Con cá tra của An Giang đã quy hoạch từ năm 2000, tức là từ lúc nuôi bè và bây giờ là lên hầm. Lúc đó có đặt ra vấn đề rõ ràng là nếu nuôi công nghiệp thì phải có báo cáo tác động môi trường, còn nuôi nhỏ lẻ thì có chứng nhận môi trường. Về tiêu chuẩn, chất lượng thì từ 2003 chúng tôi đã có SQF 1000 cho vùng nuôi, 2004 đã có chứng nhận. Đây là tiêu chuẩn quốc tế của Australia mà Mỹ mua lại. Và tiêu chuẩn này là truy xuất được nguồn gốc. Và hiện nay đang theo tiêu chuẩn Globol GAP”.
Sản phẩm cá tra Việt Nam đã và đang chiếm lĩnh thị trường của 120 quốc gia trên thế giới, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của các thị trường khó tính như EU, Australia, Mỹ và Nhật Bản... Kim ngạch xuất khẩu cá tra hàng năm đạt trung bình khoảng 1,5 tỉ USD.
Trong những năm qua, Chính phủ cũng đã xây dựng chiến lược phát triển cá tra, làm thế nào để ngành chăn nuôi cá tra Việt Nam phát triển bền vững và đảm bảo các điều kiện sinh thái.
Ông Dương Nghĩa Quốc – Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Do điều kiện nuôi tốt, giá rẻ, thị trường được mở rộng. Đây cũng là sản phẩm được lựa chọn nhiều nhất”.
Những nỗ lực xây dựng các vùng nuôi an toàn
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong thời gian qua người chăn nuôi cá tra tại khu vực ĐBSCL nói chung đã tích cực hợp tác với tổ chức trong và ngoài nước, trong đó có WWF tại Việt Nam để xây dựng các vùng nuôi an toàn, đảm bảo những tiêu chuẩn mà WWF đưa ra. Trong khi sự hợp tác này đang tiến triển rất tốt thì WWF lại đưa ra sự đánh giá gây mất niềm tin của người chăn nuôi Việt Nam đối với tổ chức này.
Ông Võ Văn Thanh ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Chúng tôi đã được tập huấn với WWF Việt Nam để xây dựng vùng nuôi an toàn nhưng không hiểu sao WWF châu Âu lại đưa cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ. Chúng tôi thật sự bất ngờ”.
Trên thực tế hiện nay, nhiều tổ chức, Viện, Trường có uy tín đã khẳng định ngành công nghiệp nuôi cá tra cũng như chế biến mặt hàng này đang hướng đến mục tiêu bền vững. Về xử lý môi trường, nhiều cơ sở đã quan tâm, chú trọng đến việc xử lý nguồn nước lấy vào và thải ra. Trong vấn đề xử lý dịch bệnh thì người dân đã có sự quan tâm rất kỹ đến việc sử dụng thuốc và hóa chất vì đây là khoản chi phí lớn trong nuôi cá tra. Ngoài chuyện giá cả thì người dân chú ý đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi thị trường xuất khẩu cũng quan tâm đến vấn đề chất lượng nên bà con đã nhận thức rõ. Mặt khác, khâu thức ăn cũng cải tiến rất nhiều bởi giá thức ăn cao và sử dụng hợp lý hiệu quả cũng làm giảm giá thành và bớt tác động môi trường. Đây là 3 yếu tố quan trọng và bên cạnh đó thì người dân cũng điều chỉnh mật độ nuôi cho phù hợp để quản lý ao nuôi tốt hơn.
Mặt khác, các doanh nghiệp đã và đang đi vào việc thực thi các mô hình sản xuất để có thể tham gia chứng nhận theo Global GAP. Về vấn đề này, trong khuôn khổ hợp tác với Viện nuôi trồng Thủy sản II để giúp người dân nâng cao chất lượng cá tra.
Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Thanh Phương, Trưởng khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ nói: “Trường Đại học Cần Thơ đã phối hợp với Viện Thủy sản 2 cùng với bà con làm thử nghiệm mô hình là Thực hành quản lý nuôi tốt hơn. Đây là mô hình sản xuất không nhắm tới mục tiêu chứng nhận nhưng nhấn đến vấn đề giảm chi phí sản xuất, cải thiện môi trường nuôi và đặc biệt là liên kết nông dân lại để sau đó cải tiến vùng nuôi và chứng minh với doanh nghiệp về nuôi an toàn”.
Có thể nói, ngành thủy sản Việt Nam mà trong đó điển hình là sản xuất, chế biến cá tra đã và đang hướng đến mục tiêu chung là làm sao để nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản và đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường trong chăn nuôi.
Với tiếng nói chung đó, thay vì WWF hợp tác với Việt Nam để có sự khảo sát đầy đủ và khoa học hơn, thì tổ chức này lại dựa vào những số liệu không chính thức để vội vàng kết luận, điều này gây thiệt hại trực tiếp đến công ăn việc làm của hàng vạn lao động đang sống bằng nghề nuôi và chế biến cá tra tại Việt Nam mà còn với cả người tiêu dùng vốn đã ưa chuộng những sản phẩm chế biến từ con cá tra Việt Nam giàu dinh dưỡng này./.