Các cửa khẩu Lạng Sơn thông quan ổn định hơn 1.000 xe mỗi ngày
VOV.VN - Hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh vẫn được duy trì ổn định, không có tình trạng ùn ứ.
Hoạt động thông quan tại cửa khẩu Lạng Sơn vẫn diễn ra bình thường, không có hiện tượng ách tắc hàng hóa. Lực lượng chức năng khu vực cửa khẩu vẫn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xuất khẩu các loại mặt hàng. Thông tin từ Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) cho biết.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn hiện có 6 cửa khẩu đang duy trì diễn ra hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là 2 cửa khẩu có hoạt động biên mậu sôi động nhất.
Với các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị hàng hóa thông quan chủ yếu là hoa quả tươi (chiếm khoảng 75% - 85% tổng lượng hàng xuất khẩu). Theo thống kê, số phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông quan trong ngày 12/9 tại tỉnh Lạng Sơn là 1.230 xe và hiện có khoảng 870 phương tiện chở hàng chờ làm thủ tục thông quan (tăng khoảng 100 phương tiện so với ngày hôm trước).
Ông Nông Quang Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết, hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh vẫn được duy trì ổn định, không có tình trạng ùn ứ.
“Mọi hoạt động tại cửa khẩu Tân Thanh thời điểm này vẫn diễn ra bình thường, không có vướng mắc hay khó khăn trong khi lưu lượng xe thông quan có lúc còn tăng nhẹ so với thời điểm trước. Tại tất cả các quy trình nghiệp vụ, cơ quan hải quan đều bố trí đầy đủ cán bộ công chức viên chức làm việc. Nông sản xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh đa phần là sầu riêng, thanh long, tinh bột sắn…”, ông Hưng thông tin.
Thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật đã nhận được thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc một số lô chuối, xoài, mít, sầu riêng và thanh long của Việt Nam bị vị phạm kiểm dịch thực vật. Do đó, đơn vị này đã đề nghị các đơn vị chức năng không làm thủ tục kiểm dịch thực vật, để xuất khẩu với các lô hàng thuộc mã số vùng trồng, mã số cơ sở có trong danh sách. Theo Cục Bảo vệ thực vật, việc chủ động tạm dừng, thu hồi đối với những đơn vị vi phạm là mang tính chủ động, hạn chế rủi ro một cách thấp nhất.
Bà Ngô Tường Vy, lãnh đạo 1 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trái cây nêu quan điểm, Việt Nam cần học tập Thái Lan vì họ được tập huấn rất kỹ, từ thời gian ra hoa cho đến thời gian thu hoạch là bao nhiêu, họ ghi chép tỉ mỉ và chỉ bán những sản phẩm đạt chất lượng. “Đây là câu chuyện chúng ta có thể học để cải thiện từng bước một để người nông dân chủ động hơn. Quan trọng hơn, chúng ta phải giữ 1 nguyên tắc chung về tiêu chuẩn chất lượng để từ đó xây dựng thương hiệu quốc gia chung”, bà Vy nói.
Hiện các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn như Trung tâm quản lý cửa khẩu (BQL Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn); Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch thực vật… vẫn thường xuyên bố trí đầy đủ cán bộ để thực hiện giải quyết công việc, nhiệm vụ được giao. Các lực lượng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ theo quy định với phương châm đảm bảo thông quan hàng hoá thuận lợi và nhanh chóng nhất, đặc biệt là hàng nông sản.