Các doanh nghiệp phải đăng ký giá sữa

Theo lãnh đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), biện pháp tức thời để kiểm soát giá sữa trên thị trường hiện nay là yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đăng ký giá từ khâu nhập khẩu đến bán ra trong nước

Liên tiếp trong những ngày qua, giá sữa trên thị trường liên tục tăng. Vẫn biết, trong cơ chế thị trường, việc quản lý giá cả là rất khó, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu cần bình ổn giá như xăng, dầu, sữa, thuốc chữa bệnh…

Đối với mặt hàng sữa, Bộ Tài chính và Bộ Công thương đã không ít lần đưa ra các biện pháp quản lý giá. Tuy nhiên, những biện pháp đó hầu như không có tác dụng.

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Thoả, Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) về trách nhiệm quản lý và một số biện pháp mới để kiểm soát giá sữa.

** Thưa ông, có ý kiến đề xuất chúng ta nên đưa ra một mức giá trần đối với giá của mặt hàng này. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?

Ông Nguyễn Tiến Thoả: Theo quy định của Pháp lệnh Giá, chúng ta có thể định giá trần, quy định khung giá. Thế nhưng đó là quy định trong điều kiện giá có biến động bất thường do tác động của thiên tai, địch hoạ, khủng hoảng, biến động đột biến của cung cầu gây thiệt hại đến lợi ích của người tiêu dùng để trên cơ sở đó, doanh nghiệp quy định giá trong cái khung tối đa của Nhà nước cho phép.

Còn trong điều kiện bình thường, không có những đột biến, có thể để doanh nghiệp quyết định, còn Nhà nước điều tiết bằng những biện pháp, chính sách khác. Những mặt hàng này luôn có quy định giá tối đa. Bởi quy định giá tối đa có mặt tích cực của nó. Nhưng cũng có mặt hạn chế, gây ra những bất cập trong thực tiễn kinh doanh và trong quản lý.

Ảnh minh hoạ

Ví dụ ta thường quy định giá tối đa mà phản ứng chính sách, nhất là phản ứng về định giá của các cơ quan quản lý thường chậm nhịp hơn các biến động thị trường. Nên nếu quyết định giá tối đa không nhanh nhậy, không kịp thời thì khi giá thị trường vượt giá tối đa, doanh nghiệp không thể bán hàng theo mức giá thấp hơn thị trường, Nhà nước khó có thể bù lỗ. Khi phản ứng không nhanh nhạy, chúng ta có thể hình dung ra lượng hàng cung ra xã hội không bảo đảm. Doanh nghiệp sẽ đầu cơ những găm hàng lại, rồi tung ra bán với giá cao hơn khi đó người tiêu dùng sẽ bị thiệt thòi.

** Như ông nói, trước đây, mặt hàng sữa đã được đưa vào diện bình ổn giá. Nhưng trên thực tế, cơ quan Nhà nước đã từng bó tay về chuyện giá sữa. Vậy, liệu rằng biện pháp mới có phát huy hiệu quả không, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Thoả: Chúng ta không phải bó tay về giá sữa. Vấn đề hiện nay là mặt bằng giá sữa trong nước tương đối cao hơn các nước trong khu vực. Hiện nay, Bộ Tài Chính cùng với Bộ Công thương, trên cơ sở kiểm tra các yếu tố bình ổn giá đã phát hiện những chi phí mà doanh nghiệp hạch toán không đúng với quy định của Nhà nước. Rõ nét nhất là chi phí về bán hàng, về quảng cáo, chi phí về hoa hồng. Nguyên tắc kiểm tra là xem xét các yếu tố hình thành giá, khi có những yếu tố bất hợp lý, không đúng quy định thì phải thu về ngân sách. Bên cạnh đó, yêu cầu doanh nghiệp bán theo giá đã được loại trừ những chi phí để bảo đảm mức giá đó trở về mặt bằng bình thường.

** Theo ông, biện pháp tức thời để kiểm soát giá sữa trên thị trường hiện nay là gì?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Các doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký giá. Trên cơ sở đăng ký giá, từ khâu nhập khẩu đến khâu bán ra trong nước, các cơ quan nhà nước từ cấp Trung ương đến địa phương quản lý yếu tố hình thành giá để có xử lý kịp thời, tránh xảy ra những trường hợp như vừa qua, giá tăng liên tiếp trong năm, tiếp tục tạo ra mặt bằng giá sữa rất cao.

Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên