Các tỉnh miền Trung cần liên kết tạo động lực phát triển
VOV.VN - Năm 2019, kinh tế xã hội của các tỉnh, thành phố miền Trung tiếp tục tăng trưởng. Tuy vậy, kinh tế miền Trung vẫn còn nhiều yếu tố chưa bền vững.
Năm 2019, tỉnh Quảng Ngãi gặt hái nhiều thành công trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư. Địa phương đã cấp phép đầu tư 35 dự án, trong đó có 3 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký gần 13.800 tỷ đồng, giải quyết việc làm mới cho khoảng 7.500 lao động.
Tỉnh luôn tạo điều kiện và hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai những dự án lớn như: Dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất; Dự án Khu đô thị- Công nghiệp Dung Quất; Dự án Khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát- Dung Quất; Dự án Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Viship Quảng Ngãi…
Khu kinh tế Dung Quất - Quảng Ngãi tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư. |
Ông Lê Viết Chữ, Bí Thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho rằng, với chi phí đầu tư thấp so với các địa phương lân cận, tỉnh Quảng Ngãi trở thành điểm sáng, hấp dẫn các nhà đầu tư.
“Tỉnh Quảng Ngãi sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư đến, hỗ trợ các nhà đầu tư làm ăn. Chúng tôi cam kết, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là nhũng người đứng đầu các cấp phải có trách nhiệm đổi mới, sáng tạo, xây dựng Quảng Ngãi trở thành nơi đến thân thiện, an toàn và thành công cho các nhà đầu tư. Chúng tôi xem sự thành công của các nhà đầu tư như sự thành công của chính mình”, ông Lê Viết Chữ nói.
Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất - Quảng Ngãi |
Năm 2019, môi trường đầu tư và kinh doanh ở các tỉnh miền Trung tiếp tục được cải thiện; khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được quan tâm tháo gỡ. Phát triển kinh tế biển và kết cấu hạ tầng liên vùng được các địa phương chú trọng, tập trung đầu tư… Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, các tỉnh, thành miền Trung đang đối mặt với nhiều thách thức, cần khơi thông những điểm nghẽn trong sự phát triển thời gian tới.
Các tỉnh nơi đây có xuất phát điểm nền kinh tế thấp, tích lũy đầu tư nhỏ, hiệu quả đầu tư chưa cao; tiềm năng, thế mạnh khá tương đồng (biển, du lịch, cảng biển, sân bay, khu kinh tế, nguồn nhân lực dồi dào…); các ngành kinh tế chủ lực tại các khu kinh tế, khu công nghiệp có sự trùng lắp…. chính là những khó khăn của các địa phương. Sự phối hợp giữa các địa phương trong vùng rất hạn chế, thiếu sự liên kết vùng, vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm.
Các tỉnh miền Trung vẫn chưa có sự liên kết chặt chẽ trong phát triển kinh tế. |
Theo TS. Trần Du lịch, cần có một cơ chế liên kết vùng hiệu quả hơn cho khu vực này: “Cần củng cố tổ chức liên kết vùng, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm. Khi quy hoạch vùng, những nội dung nào cần đầu tư phát triển phải đưa vào toàn bộ trong phương án phát triển vùng chứ không nên làm riêng lẻ”.
Một trong những bất cập của các tỉnh miền Trung là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng còn yếu. Tuyến đường ven biển kết nối các tỉnh và vùng dải bờ biển miền Trung chưa được đầu tư, các tuyến đường ngang nối khu vực ven biển lên Tây Nguyên, khu vực trung du, miền núi các tỉnh còn thiếu. Thế mạnh của từng địa phương chưa tìm được tiếng nói chung để tạo ra sức mạnh tổng hợp toàn vùng.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các địa phương cần chủ động liên kết tạo sức mạnh, khai thác tiềm năng, lợi thế toàn vùng. "Cần hoạch định ra các bước phát triển, định hướng phát triển từng vùng, từng địa phương một cách tốt nhất. Lập hội đồng vùng như thế nào để điều phối. Cơ chế liên kết như thế nào để đủ mạnh và tự thân thấy rằng, đây là nhu cầu tất yếu, chúng ta phải hợp tác với nhau cùng mang lại lợi ích cho cả quốc gia chứ không phải mang lại lợi ích cục bộ cho từng địa phương", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.
“Hiến kế” để kinh tế miền Trung “cất cánh“