Các tỉnh nhận trợ cấp nhiều nhất lại minh bạch ngân sách không tốt

VOV.VN - Các tỉnh Trung Bộ cũng là các tỉnh nhận ngân sách Nhà nước nhiều nhất (gọi là trợ cấp) thế nhưng họ công khai minh bạch không tốt

Mức độ công khai ngân sách tỉnh nhìn chung đã được cải thiện mạnh, nhưng cần tăng minh bạch và tạo điều kiện để người dân tham gia giám sát quy trình ngân sách. Đây là những kết luận đáng chú ý được đưa ra tại Hội thảo công bố Chỉ số công khai ngân sách tỉnh 2019, do Liên minh minh bạch ngân sách Việt Nam tổ chức ngày 8/7 tại Hà Nội.

Kết quả khảo sát Chỉ số công khai ngân sách cấp tỉnh (gọi tắt là POBI) năm 2019 cho thấy, điểm chỉ số trung bình về công khai ngân sách tỉnh đạt 65,5 điểm trên thang điểm 100 (cao hơn so với 51 điểm của năm 2018 và thậm chí gấp đôi mức 30,5 điểm của năm 2017). Điều này cho thấy mức độ công khai ngân sách của 63 địa phương trong cả nước năm 2019 đã cải thiện vượt bậc so với năm đầu tiên khảo sát là POBI 2017.

Về xếp hạng công khai ngân sách tỉnh POBI 2019, có tới 24 tỉnh được xếp vào nhóm A, là nhóm công khai ĐẦY ĐỦ. Đứng đầu là Quảng Nam và Bà Rịa – Vũng Tàu đều đạt hơn 90 điểm. Có 27 tỉnh đạt mức TƯƠNG ĐỐI, 9 tỉnh ở mức CHƯA ĐẦY ĐỦ và 3 tỉnh ở mức công khai ÍT, là Hòa Bình, Đồng Tháp và Lạng Sơn.

Hội thảo công bố Chỉ số công khai ngân sách tỉnh 2019.

PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Trưởng nhóm nghiên cứu đánh giá, trường hợp đáng lưu ý nhất là tỉnh Hòa Bình, trong 3 năm liền luôn luôn kém nhất và không hề có sự cải thiện. Trong khi nhiều tỉnh đã có sự cải thiện, nhưng từ 2017 Hòa Bình là tỉnh hầu như không có sự cải thiện, cho thấy mức độ quan tâm của tỉnh còn nhiều vấn đề. Hòa Bình cũng là tỉnh không tự chủ được ngân sách, phải xin trợ cấp từ ngân sách Trung ương nên càng phải công khai, minh bạch.

“Khu vực kém nhất là các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc Bộ. Điều rất đáng ngạc nhiên là các tỉnh Trung Bộ cũng là các tỉnh nhận ngân sách Nhà nước nhiều nhất (gọi là trợ cấp) thế nhưng họ công khai minh bạch không tốt nên điều này cần phải cải thiện”, ông Cường chỉ rõ.

Chỉ số công khai ngân sách tỉnh cũng khảo sát về mức độ tham gia của người dân và kết quả cho thấy nhìn chung các tỉnh ÍT tạo điều kiện để người dân tham gia vào quy trình ngân sách. Số điểm quy đổi trung bình của 63 tỉnh, thành phố chỉ đạt 38 điểm. Tuy nhiên, tỉnh đứng đầu xếp hạng này là Vĩnh Long vẫn đạt điểm số cao với 90 điểm. Phú Yên và Thái Bình là 2 tỉnh có số điểm thấp nhất cả nước.

Bà Mai Anh, đại diện Vụ ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cũng nhìn nhận, nhà nước đã mở được chuyên mục hỏi đáp, toàn bộ các địa phương đã có chuyên mục này và thư điện tử nhưng vẫn chưa có cơ chế vận hành.

“Tại Bộ Tài chính mỗi năm nhận được hơn 10.000 câu hỏi, Cục tin học sẽ đưa về cho các đơn vị có liên quan. Đầu giờ làm việc, khi nhận được các câu hỏi, cán bộ chuyên quản sẽ thực hiện việc trả lời theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Sau đó trình lãnh đạo cấp Vụ để phê duyệt và gửi cho người dân và quy định là chỉ trong vòng 5 ngày. Bộ Tài chính có quy chế vận hành rất rõ và kiểm điểm đánh giá thường xuyên, nên cổng hỏi và đáp của Bộ vận hành thực sự có hiệu quả”, bà Mai lấy ví dụ.

Có thể nói, Chỉ số công khai ngân sách POBI là công cụ giúp tăng niềm tin của người dân và các đối tác phát triển đối với quản lý ngân sách tại địa phương, dựa trên các tiêu chí về minh bạch, giải trình và sự tham gia của người dân vào quy trình ngân sách.

Với POBI, chính quyền địa phương có thể theo dõi, đánh giá mức độ công khai, minh bạch ngân sách nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản trị địa phương. Do đó, các địa phương cần tăng cường soi chiếu vào POBI để có sự chuyển động tích cực trong thời gian tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên