Cải cách môi trường kinh doanh đang chững lại
VOV.VN - Cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam đang chững lại so với các nước trong khu vực, và đòi hỏi có những cải thiện thực chất hơn, mạnh mẽ hơn.
Đây là thông điệp được đưa ra tại Hội thảo Môi trường kinh doanh Việt Nam 2016-2019 qua xếp hạng theo báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới về Kết quả và một số gợi ý cải cách, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức sáng nay tại Hà Nội.
Xếp hạng Môi trường kinh doanh Việt Nam giai đoạn 2016-2019 của Ngân hàng Thế giới cho thấy, cải cách được ghi nhận tích cực nhất vào năm 2017. Trong 2 năm gần đây, điểm số tiếp tục được cải thiện nhưng đã chậm lại.
Môi trường kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN. (Ảnh minh họa) |
Hai chỉ số cải thiện vượt bậc trong giai đoạn này là tiếp cận điện năng (tăng 69 bậc ); Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội (tăng 58 bậc). Có 4 chỉ số giảm bậc là Giao dịch thương mại qua biên giới (giảm 11 bậc), Bảo vệ nhà đầu tư (giảm 10 bậc), Đăng ký tài sản (giảm 5 bậc) và Cấp phép xây dựng (giảm 1 bậc). Về thứ hạng chung, Việt Nam đứng thứ 70, so với thứ 21 của Thái Lan, thứ 12 của Malaysia và thứ 2 của Singapore.
Như vậy, môi trường kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN nhưng còn khoảng cách rất xa so với 3 nước đứng đầu là Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, chúng ta cần cải cách mạnh hơn, có tốc độ cải cách cao hơn thì mới có thể kéo gần khoảng cách với các nước ASEAN-4, tức là 4 nước có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất trong khu vực.
"Chúng ta mới nhìn thấy một số thay đổi nhưng nó còn rất ít và còn chưa đạt được những gì mong muốn của Chính phủ cũng như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, cần thay đổi từ tư duy và giám sát việc thực thi của các Bộ, ngành và sự chỉ đạo mạnh mẽ của lãnh đạo các Bộ, ngành trong việc giám sát các quy định, trong việc ban hành các quy định cũng như việc thực thi các quy định đó" - bà Nguyễn Minh Thảo chia sẻ./.
Mô hình kinh tế chia sẻ nhằm tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng
ĐBSCL sẽ không trông chờ Trung ương cải thiện môi trường kinh doanh?