Cải cách thủ tục thuế, hải quan tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp
VOV.VN - Thời gian qua, ngành Thuế, Hải quan đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tự động hóa một số quy trình thủ tục đổi mới tư duy và phong cách làm việc ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại của cán bộ Thuế, Hải quan tạo sự an tâm cho doanh nghiệp.
Đây là nhận định của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công tại hội nghị “Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan 2021” do Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế) phối hợp với VCCI tổ chức chiều nay 8/12.
Theo ông Phạm Tấn Công, thời gian qua, ngành Thuế cũng như ngành Hải quan đã liên tục cải cách thủ tục hành chính, đổi mới tư duy và phong cách làm việc theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.
“Trong thời gian qua, qua theo dõi thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp, VCCI cũng đã tiến hành thu thập thông tin, ý kiến góp ý của các doanh nghiệp bằng nhiều kênh khác nhau. Điểm nổi bật trong các kiến nghị năm 2021 bên cạnh một số trường hợp cụ thể của doanh nghiệp thì có nội dung bắt nguồn từ một số thay đổi trong các văn bản Luật, Nghị định hướng dẫn việc áp mã số, mã vạch hàng quá cảnh các mức thuế phí, quy trình hoàn thuế phí cũng được doanh nghiệp kiến nghị hướng sửa đổi cụ thể”, Chủ tịch VCCI thông tin.
Tất cả ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp đến VCCI đã được chuyển đến các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính, toàn bộ các ý kiến khác đã được tập hợp, trả lời bằng văn bản và được đăng tải trên website của ngành và VCCI để các doanh nghiệp tiện theo dõi.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, hiện nay dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp khó lường, gây ra khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngay từ đầu năm 2021, nhận định doanh nghiệp và người dân tiếp tục chịu những khó khăn bởi dịch bệnh, Bộ Tài chính đã trình các cấp thẩm quyền ban hành nhiều giải pháp, trong đó có các giải pháp hỗ trợ về thuế phí, lệ phí và tiền thuê đất, với giá trị ước tính 108.000 tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 115.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong 4 giải pháp mới được ban hành, có 3 giải pháp miễn, giảm thuế lần đầu được áp dụng từ khi dịch bệnh xảy ra.
“Bộ Tài chính đã luôn chủ động nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn trước tác động của dịch Covid-19, trong đó các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng, đánh giá rất tích cực”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói.
Lãnh đạo Bộ Tài Chính cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến và điều kiện thực tế, tổng kết đánh giá hiệu quả chính sách đã thực hiện để tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa các lĩnh vực của ngành Tài chính đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, hải quan - các lĩnh vực liên quan trực tiếp tới doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tại buổi đối thoại, các đại biểu cũng đã được đại diện Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan giới thiệu về những điểm mới của chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan từ tháng 11/2020 đến nay; đồng thời, trả lời và giải thích nhiều vướng mắc từ các địa phương và doanh nghiệp.
Đại diện Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC bày tỏ sự khó khăn, vướng mắc về thực hiện khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế: quy định nộp 75% Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và lợi nhuận sau thuế theo quyết toán năm, trước thời điểm trước ngày 31/10 hàng năm.
Về vấn đề này, ông Vũ Xuân Bách, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Tổng cục Thuế cũng đã nhận được những kiến nghị tương tự. Hiện tại, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giãn nợ thuế, tạm thời chưa quy định xử phạt trong trường hợp tạm nộp thấp hơn 75%...
“Thời gian tới, Bộ Tài chính cũng sẽ có đề xuất Chính phủ đề nghị sửa đổi Nghị định này”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết.
Trả lời phản ánh của doanh nghiệp về việc Chính phủ có chính sách hỗ trợ về thuế GTGT đối với doanh nghiệp chịu tác động của dịch bệnh COVID-19, cụ thể giảm 30% mức thuế suất giá trị gia tăng (đối với mặt hàng dịch vụ, ăn uống...) trong thời gian từ 1/11/2021-31/12/2021, nhưng nhiều đơn vị bán hàng, cung cấp dịch vụ chưa cập nhật hệ thống phần mềm, vẫn phát hành hóa đơn GTGT 10%. Ông Vũ Xuân Bách cho biết, Tổng cục Thuế đã có văn bản chỉ đạo Tổng cục Thuế kiểm tra, giám sát cơ quan Thuế các cấp triển khai thực hiện trên địa bàn. Lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu cục Thuế các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát tránh tình trạng Nhà nước đã ban hành chính sách ưu đãi mà người dân lại không được thụ hưởng...
“Đối với doanh nghiệp chưa cập nhật, trường hợp xuất hóa đơn chưa đúng thì phải điều chỉnh, yêu cầu các cục thuế kiểm tra ngay, nếu đã bán thì phải trả lại 30% cho người tiêu dùng”, ông Vũ Xuân Bách nhấn mạnh.
Tại hội nghị, đại diện Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng đã trả lời, giải đáp một số vướng mắc, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực hải quan./.