Cải thiện kinh tế hộ nông dân nhờ vốn vay hỗ trợ
VOV.VN - Từ nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân Bình Phước, nhiều hộ nông dân đã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, cải thiện kinh tế hộ gia đình.
Nhiều năm qua, nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân đang trở thành một kênh tín dụng hấp dẫn, hiện quả đối với nông dân tỉnh Bình Phước. Từ nguồn vốn vay này, nhiều hộ nông dân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, cải thiện kinh tế hộ gia đình.
Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh Bình Phước, hiện toàn tỉnh có 68 dự án được đầu tư hơn 31 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân, cho gần 700 hộ hội viên vay phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, còn có hơn 26 tỷ đồng đang được Hội Nông dân các huyện, thị quản lý và cho vay. Qua nhiều năm triển khai, Quỹ hỗ trợ nông dân trở thành nguồn lực thiết thực, giúp nhà nông, nhất là những nông dân có ý chí làm giàu nhưng thiếu vốn, đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi. Được vay vốn, được hỗ trợ về kỹ thuật, nhiều hội viên mở rộng sản xuất, xây dựng nhiều mô hình cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm.
Được vay vốn, nhiều hội viên mở rộng sản xuất, xây dựng nhiều mô hình cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm. (Ảnh minh họa: KT) |
Huyện Đồng Phú có 11 dự án được đầu tư từ Quỹ hỗ trợ nông dân, cho 123 hộ hội viên vay. Chị Trương Thị Quyên là một trong 10 hội viên của Tổ hợp tác trồng nhãn ở huyện này. Năm 2016, gia đình gom hết vốn liếng để trồng 5 hecta nhãn nhưng vẫn thiếu. Chưa biết xoay sở ra sao thì chị được Hội Nông dân huyện cho vay tín chấp một ít vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng nhãn kiểu mới. Đến nay, năng suất vườn nhãn của gia đình chị đạt 17-20 tấn/hecta, cho lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/hecta/vụ. Chị không những trả xong vốn vay mà còn giúp được một số nông dân khác.
Cũng như vậy, gia đình ông Nguyễn Văn Dòm, huyện Hớn Quản có 2,5 hecta vườn cây ăn trái. Năm 2017, ông được Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh xét duyệt và cho vay 50 triệu đồng để đầu tư thêm phân bón, lắp ống nước tưới tự động để chăm sóc, phát triển vườn cây.
Theo ông Dòm, với lãi suất thấp, thời gian cho vay lên đến 3 năm, tạo điều kiện cho gia đình ông quay vòng vốn, phát triển sản xuất và trả gốc cho quỹ. Tổ hợp tác cho 4 hội viên vay 200 triệu (mỗi hội viên được vay 50 triệu) để mua phân bón và mua dây ống tưới tự động.
Không cần tài sản thế chấp, thủ tục vay vốn đơn giản, chỉ cần lập dự án sản xuất kinh doanh khả thi, sau khi thẩm định, các cấp hội nông dân trực tiếp giải ngân vốn. Đây chính là những ưu điểm giúp nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, kịp thời đầu tư cho mùa vụ. Có tập thể đứng ra bảo lãnh cho vay, các cấp hội nông dân hướng dẫn hội viên khai thác lợi thế địa phương để xây dựng mô hình kinh tế phù hợp; các cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng phân bón chất lượng theo phương thức trả chậm… Có vốn, có kiến thức, nhiều hội viên yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất.
“Bên Hội nông dân các hội viên rất cần nguồn vốn đó. Để đầu tư vào cây ăn trái thì vốn hơi nặng, mà có hội nông dân hỗ trợ vốn thì đỡ cho người nông dân”, ông Nguyễn Văn Ngày, nông dân huyện Hớn Quản nói.
Quỹ hỗ trợ nông dân được xây dựng từ năm 1997 trên cơ sở nguồn vốn do nông dân, ngân sách nhà nước, ngân sách tỉnh đóng góp với mục đích hỗ trợ nông dân vay vốn. Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, Hội Nông dân Bình Phước đã chỉ đạo các cấp hội lựa chọn cho vay theo dự án phát triển sản xuất, kinh doanh liên kết theo hình thức tổ hợp, câu lạc bộ sản xuất, trang trại, chi hội nghề nghiệp… Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 27 mô hình điểm tiêu biểu vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, để thực hiện trên 468 dự án cho 2.420 hộ vay với số tiền trên 57,7 tỷ đồng.
Bà Đào Thị Lanh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Phước cho biết: “Tổ chức Hội cũng giúp cho các hội viên trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật. Qua một chu kỳ cho vay một dự án từ 24 – 36 tháng, sau khi kết thúc hầu hết các hộ tham gia đều có sự phát triển cả về kinh tế lẫn kinh nghiệm sản xuất”.
Để Quỹ hỗ trợ nông dân trở thành nguồn lực thiết thực, đồng hành với nhà nông trong phát triển sản xuất, kinh doanh, hội nông dân các cấp cần quan tâm, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách cơ sở. Bên cạnh đó, tích cực kiểm tra, giám sát về sử dụng nguồn vốn, tránh tình trạng đầu tư kém hiệu quả dẫn tới nợ xấu, nợ quá hạn. Đưa vốn cho nông dân đồng thời với tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ nông sản. Có như vậy, Quỹ hỗ trợ nông dân mới phát huy hiệu quả, tạo động lực cho nhiều hội viên đầu tư, mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng./.
Thủ tướng: Cần nỗ lực hỗ trợ nông dân trên nhiều phương diện
Hỗ trợ nông dân khởi nghiệp cần cơ chế đặc thù