Cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp đến Quảng Bình năm 2022
VOV.VN - Năm 2021 tỉnh Quảng Bình đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đây chính là đà bật để kinh tế - xã hội Quảng Bình phát triển trong năm 2022.
Cụ thể, năm 2021, GRDP tăng 4,83% so với năm 2020; Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 6.490 tỷ đồng, bằng 119,6% dự toán địa phương giao, tăng 8,96% so với cùng kỳ. Tỉnh Quảng Bình xác định việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 có ý nghĩa tạo đà cho sự tăng trưởng trong những năm tiếp theo. VOV có cuộc phỏng vấn ông Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình.
PV: Thưa ông, năm 2021, kinh tế của tỉnh Quảng Bình ở mức tăng trưởng dương, cao hơn mức bình quân cả nước. Ông có thể cho biết những chủ trương, giải pháp lớn nào của tỉnh đã mang lại những kết quả nổi bật này?
Ông Vũ Đại Thắng: Kết quả này đạt được nhờ sự vào cuộc hết sức mạnh mẽ, quyết liệt của hệ thống chính trị, của nhân dân và doanh nghiệp. Quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tổ chức triển khai sản xuất, kinh doanh tạo ra của cải vật chất cũng như là tăng giá trị trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các dự án đầu tư, tổ chức triển khai nhanh chóng các hoạt động xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức đầu tư vào Quảng Bình.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, Quảng Bình cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc mở cửa nền kinh tế của tỉnh. Toàn bộ các cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trở lại một cách sớm nhất, các cảng biển, sân bay, bến xe cũng được tỉnh mở cửa, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương hàng hóa và con người, tạo điều kiện cho người dân đi lại.
Và chính vì vậy, trong 3 tháng cuối năm, việc phục hồi kinh tế của tỉnh Quảng Bình cũng hết sức nhanh chóng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp, khôi phục du lịch trong đó đã tiếp đón các đoàn khách du lịch trong nước, tổ chức, sắp xếp lại các hoạt động du lịch nhằm thu hút khách trong những năm tới. Về tính cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch thì Quảng Bình nằm trong top khá của cả nước về thu hút du lịch.
PV: Năm qua, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư. Với các chương trình hợp tác đầu tư, tỉnh quyết tâm vượt mọi khó khăn, phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế để trở thành địa phương phát triển mạnh trong tương lai. Xin ông cho biết những chuyển biến quan trọng trong công tác kêu gọi đầu tư của tỉnh thời gian vừa qua. Và công tác kêu gọi đầu tư trong năm 2022 tập trung vào những lĩnh vực nào?
Ông Vũ Đại Thắng: Về công tác thu hút, xúc tiến đầu tư thì đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Ngay từ những ngày đầu năm, chúng tôi sẽ cho nối lại ngay các hoạt động xúc tiến đầu tư trong khu vực như tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư ngay tại chỗ, tổ chức thu hút các doanh nghiệp từ TP.HCM, từ Hà Nội tiếp tục đầu tư vào Quảng Bình. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức kết nối với một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc để tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến.
Các lĩnh vực cụ thể thì Quảng Bình đã có những định hướng hết sức rõ ràng, đối với nông nghiệp thì tập trung cao vào ngành tạo thêm giá trị gia tăng trong nông nghiệp, tăng cường các sản phẩm của ngành như sản phẩm OCOP, tập trung vào chế biến sâu hơn các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đối với công nghiệp, chúng tôi sẽ tập trung kiện toàn kết cấu hạ tầng của các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh và tạo tiền đề để các nhà đầu tư có thể thuận lợi tiếp cận đất đai để xây dựng các nhà máy, các cơ sở sản xuất trên địa bàn.
Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung vào tận dụng những lợi thế của Quảng Bình trong năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, năng lượng điện gió và cả năng lượng điện gió xa bờ. Và cuối cùng chúng tôi tập trung cho du lịch, biến ngành du lịch thực sự thành ngành mũi nhọn của nền kinh tế Quảng Bình trong giai đoạn sắp tới.
PV: Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ 17 trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tỉnh Quảng Bình đặt ra chương trình hành động như thế nào để nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế- xã hội?
Ông Vũ Đại Thắng: Năm 2022 chúng tôi cũng xác định là năm phục hồi và phát triển, để phục hồi và phát triển thì trước tiên chúng ta cần tiếp tục phòng ngừa đại dịch Covid-19, thông qua đó là chúng tôi tổ chức triển khai tiêm vắc xin tăng độ che phủ vaccine, đặc biệt là tiêm mũi 3 cho toàn dân ngay trong những tháng đầu của năm 2022. Khi có độ phủ vaccine cao thì các hoạt động từ sản xuất kinh doanh, hoạt động học tập của học sinh, sinh viên diễn ra bình thường. Như vậy sẽ tạo tiền đề để sớm phục hồi kinh tế.
Bên cạnh đó, để phát triển, chúng tôi sẽ tập trung vào 4 khâu đột phá: Thứ nhất là hoàn thiện các kết cấu hạ tầng kết nối các hạ tầng trên địa bàn toàn tỉnh, thực hiện các dự án liên quan đến chuyển đổi số; Thứ 2, chúng tôi tập trung vào cải cách hành chính, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Quảng Bình bằng việc thực hiện nghiêm 10 cam kết của tỉnh Quảng Bình đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã công bố trong Hội nghị xúc tiến đầu tư ngày 17/1/2021; Thứ 3 chúng tôi tập trung vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ; Cuối cùng chúng tôi tập trung vào ngành du lịch, đưa du lịch thành trọng tâm, trọng điểm của tỉnh Quảng Bình.
PV: Xin cảm ơn ông!./.