Cận cảnh cầu vượt thép lớn nhất Việt Nam
Thứ Bảy, 07:00, 06/05/2017
VOV.VN - Nút giao quận Long Biên - Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) với cầu vượt thép lớn nhất Việt Nam có tổng mức đầu tư trên 2.800 tỷ đồng.
Dự án nút giao trung tâm quận Long Biên với công trình cầu vượt cạn khởi công từ tháng 5/2014, thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao). |
Hạng mục chính gồm xây cầu vượt 6 làn xe cơ giới theo hướng đường Nguyễn Văn Linh (quốc lộ 5). Tổng chiều dài cầu vượt gần 810 m, trong đó cầu chính dài 310 m, cầu dẫn dài gần 500 m, có dải phân cách cứng ở giữa. |
Dự án gồm đường nội đô dọc hai bên cầu vượt, hai hầm chui qua cầu đường sắt (tuyến Hà Nội - Đồng Đăng) cho phương tiện giao thông chạy trong nội đô và người đi bộ... |
Cầu đường sắt phía dưới cầu vượt và hầm chui cho các phương tiện đi qua. |
Cầu vượt có 16 nhịp, bao gồm một cầu chính và hệ thống cầu dẫn với kết cấu dầm hộp bê tông cốt thép. Đây là cầu vượt thép lớn nhất Việt Nam. |
Công trình được xây dựng với hơn 4.000 tấn kết cấu thép ở đoạn giữa nút giao. Kết cấu nhịp cầu chính gồm 5 nhịp dầm hộp thép bê tông liên hợp sơ đồ nhịp. |
Khổ cầu chia làm hai đơn nguyên, mỗi đơn nguyên rộng 13 m. Giữa hai đơn nguyên để khe hở tại bản mặt cầu là 20 mm. |
Hệ thống đèn thắp sáng cầu vào buổi tối. |
Nút giao trung tâm quận Long Biên khi hoàn thành sẽ từng bước hoàn thiện hệ thống tuyến vành đai 2 phía đông bắc Hà Nội, từ đường Nguyễn Văn Linh đến nút giao Vĩnh Ngọc (thuộc dự án xây dựng cầu Nhật Tân) đi sân bay quốc tế Nội Bài. |
Công trình cũng đồng thời đáp ứng việc đi lại của các phương tiện vận tải hàng hóa từ các khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh lên các tỉnh phía tây và tây bắc, tạo nên hướng giao thông ngoại vi phía bắc. |
Với 6 làn xe chạy, tốc độ thiết kế của cầu vượt hướng Đông Trù - Nguyễn Văn Linh và đường nội đô hai bên cầu vượt khác nhau. |
Trên cầu vượt là 80 km/h, còn đường nội đô phía dưới là 50 km/h. |
Cây cầu này có vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thông của thành phố Hà Nội, hoàn thành kết nối Quốc lộ 5 với đường 5 kéo dài; trở thành trục giao thông chính nhằm bảo đảm các điều kiện về hạ tầng giao thông vận tải phục vụ các khu công nghiệp, khu đô thị phía Bắc sông Hồng. Đồng thời, khép kín đường vành đai 2, đoạn phía Đông Bắc thành phố, qua đó góp phần kết nối hệ thống giao thông giữa các khu vực, thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố. |