Cần chiến lược sản xuất và tiêu thụ nông sản
VOV.VN - Các hiệp hội ngành hàng với vai trò nắm bắt thị trường và điều tiết giá nông sản cùng kênh phân phối là doanh nghiệp sẽ từng bước ổn định thị trường.
Liên kết sản xuất, tiêu thụ
Nhìn lại mùa vải, nhãn, na… bội thu trong năm 2018, tổng giá trị thu được hàng nghìn tỷ đồng, phản ánh việc tiêu thụ nông sản tại một số địa phương đã được quan tâm chú trọng. Tuy nhiên, điều này chưa là phổ biến mà thị trường nông sản vẫn còn không ít tồn tại khi tính ổn định chưa cao quá phụ thuộc vào các tác nhân bên ngoài.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho rằng, để giải quyết được vấn đề tiêu thụ nông sản thì mô hình sản xuất hộ gia đình đã không còn phù hợp. Sản xuất nông sản hàng hóa theo mô hình mới là liên kết các hộ gia đình hình thành các hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) có 2 tổ chức hoạt động hiệu quả đó là Hợp tác xã Hằng Xuân và Hội sản xuất tiêu thụ vải thiều. Đối với thành viên của hai tổ chức này năm 2018 không phải mang vải thiều ra ngoài chợ, các hợp đồng mua bán được ký, thu hái tại vườn điều này đã giảm được chi phí và tạo giá thu mua ổn định. Tuy nhiên, số lượng hội viên các tổ chức chưa nhiều nên vẫn phải vận động người dân tham gia.
Những hộ gia đình có vườn na ở Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) đều thu được từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. |
“Doanh nghiệp và hợp tác xã sản xuất bao tiêu nông sản là xu hướng tất yếu, việc thành lập hiệp hội hoa quả của tỉnh hoặc vùng rất cần thiết, như hoạt động của Hiệp hội hoa quả Quảng Tây (Trung Quốc) khi sang Việt Nam thu mua hoa quả rất hiệu quả, Việt Nam cũng cần có những hiệp hội tương tự. Hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ khó có thể đi liên hệ để tìm hiểu thị trường tiêu thụ, nhưng hiệp hội sẽ là trung tâm, đầu mối cung cấp thông tin, mời gọi bạn hàng” – ông Bình nói.
Ông Bình phân tích thêm, việc thành lập các hợp tác xã mới có tư cách pháp nhân để xây dựng các chuỗi khép kín sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Giá trị mà người nông dân sản xuất nhận được mới chủ yếu qua công lao động. Giá trị lớn nhất của nông sản nằm ở chế biến và tiêu thụ thì chưa được khai thác. Do đó, cần những chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Khi doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp còn rất ít, chủ yếu là thương mại và xây dựng các chuỗi khép kín sản xuất tiêu thụ chưa được nhiều.
Hộ trợ về thị trường cho các sản phẩm nông sản, ngoài xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường thì Nhà nước cần mở rộng đàm phán để có những thỏa thuận song phương, đa phương với các nước để xóa các rào cản về kỹ thuật đối với nông sản. Ví dụ, vải thiều của Trung Quốc xuất đi Mỹ thì không phải chiếu xạ nhưng vải thiều của Việt Nam xuất sang Mỹ phải chiếu xạ. Những hàng rào, thủ tục sẽ thêm chi phí cho doanh nghiệp và làm giảm lợi nhuận không thực sự hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào làm nông nghiệp.
Ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn tài chính, tiền tệ của Chính phủ. |
Xây dựng chiến lược cho thị trường nông sản
Ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn tài chính, tiền tệ của Chính phủ cho rằng, Việt Nam cần xây dựng chiến lược cho thị trường nông sản, phải xác định rõ thị trường số 1, số 2, số 3… trong ngắn hạn và dài hạn. Trên cơ sở xác định chiến lược tập trung vào sản xuất, phục vụ cho thị trường chiến lược, như vậy mới có một thị trường nông sản bền vững.
“Tập trung nguồn lực (bao gồm công nghệ, tài chính và thị trường) vào khu vực nông nghiệp là hướng đi lâu dài trong phát triển kinh tế. Giảm dần tín dụng vào lĩnh vực công nghiệp nơi có giá trị gia tăng thấp, tăng tín dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trong nông nghiệp. Xây dựng được doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp lớn mạnh thành các tập đoàn có thương hiệu, để cạnh tranh ở những thị trường lớn” – ông Nghĩa nói.
Theo TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do sản xuất và kinh doanh nhỏ lẻ nên thông tin thị trường không cập nhật, giữa sản xuất và tiêu thụ bị chia cắt. Cơ quan quản lý vẫn chú trọng đến phát triển sản xuất nhiều hơn việc quan tâm, nắm bắt nhu cầu thị trường. Các địa phương vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng số lượng và qui mô sản xuất, khiến diện tích sản xuất vượt xa nhu cầu.
“Các cơ quan chuyên môn cần giúp người dân nghiên cứu thị trường, cung cấp cho họ thông tin và định hướng về tiêu chuẩn sản phẩm, chính sách ở thị trường, kênh tiêu thụ... Khi Nhà nước cung cấp đầy đủ và đưa ra những khuyến nghị thì người sản xuất, kinh doanh sẽ sử dụng thông tin để tổ chức sản xuất" - TS Sơn nói.
Hiện nay là hầu như chưa có một cơ quan, tổ chức chuyên trách và chịu trách nhiệm về vấn đề nghiên cứu thị trường, ngành hàng nông sản và hệ thống thông tin thị trường cho nông dân. Cần phải xây dựng những cơ quan chuyên trách với cơ chế vận hành bám sát được yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh trên thị trường nông sản để cung cấp thông tin rộng rãi cho người dân, TS Sơn phân tích thêm./.
Cùng loạt bài: Tìm đầu ra cho nông sản Việt:
Bài 1: Nông sản Việt: Vì sao nơi bộ thu, nơi phải giải cứu?
Bài 2: Cần chiến lược sản xuất và tiêu thụ nông sản