Cần “cú huých” cho tạo nguồn nhân lực Công Thương

Theo khảo sát của UNIDO, 68% doanh nghiệp công nghiệp không hài lòng về chất lượng của các lao động kỹ thuật Việt Nam.

Những năm qua, ngành Công Thương gặt hái được nhiều thành công lớn, trong đó có vai trò then chốt của đội ngũ nhân lực. Song, để ngành tăng trưởng bền vững, công tác tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành còn nhiều việc phải làm.

Chất lượng lao động thấp

Khẳng định vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có nhân lực ngành Công Thương, đang rất bức thiết, TS Trần Đức Quý, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, cho biết: Sự bức thiết này dễ dàng thấy qua công cụ tìm kiếm trên internet. Đó là, nếu tra google sẽ được hơn 19 triệu kết quả về “thiếu nhân lực chất lượng cao”; hơn 2 triệu kết quả “thiếu trầm trọng nhân lực chất lượng cao”; hơn 1 triệu kết quả về “khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao”

Trong các khu công nghiệp ở Việt Nam còn nhiều lao động thủ công

Trong khi đó, Bộ Công Thương có 50 cơ sở đào tạo, trong đó có 10 trường đại học, 26 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp chuyên nghiệp, 10  trường cao đẳng nghề, 1 trường trung cấp nghề và 1 trường bồi dưỡng cán bộ. Các trường này, hằng năm đào tạo 453.000 học sinh, sinh viên với hơn 400 chuyên ngành đào tạo.

Riêng đối với ĐH Công nghiệp Hà Nội và ĐH Công nghiệp TP HCM, hai trường đi đầu trong đào tạo nhân lực Công Thương, trong nhiều năm qua, từ chỗ có khoảng 5.000 sinh viên, đến nay các trường đã có khoảng trên 50.000 sinh viên. Hằng năm, các trường này thu hút khoảng 70.000 – 80.000 thí sinh đăng ký thi vào trường. Và, theo điều tra của ĐH Công nghiệp Hà Nội năm 2010, trên 80% sinh viên sau khi ra trường khoảng 1 năm là có việc làm, có 60% làm việc đúng ngành nghề đào tạo.

Tuy nhiên, theo Báo cáo thường niên năm 2010 của Ngân hàng thế giới (WB): “Năng suất lao động của Việt Nam hiện thấp hơn các nước: Indonesia 10 lần, Malaysia 20 lần, Thái Lan 30 lần và Nhật Bản 135 lần. Chất lượng nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,79/10 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á được khảo sát”.

Còn theo kết quả khảo sát của Tổ chức phát triển công nghiệp của Liên Hợp Quốc (UNIDO), 68% doanh nghiệp công nghiệp không hài lòng về chất lượng của các lao động kỹ thuật Việt Nam.

Thực tế này cho thấy, chất lượng nhân lực trong ngành công nghiệp ở Việt Nam còn rất thấp.

Phải hiểu đúng về chất lượng nhân lực

Theo GS Lê Văn Học, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đánh giá nhân dịp khảo sát các trường đại học trong khối Bộ Công Thương để xây dựng Luật Giáo dục đại học: “Trong những năm đổi mới, Bộ Công Thương đã tạo ra một loạt các trường đại học, cao đẳng năng động, sáng tạo trong việc vận dụng chủ trương của Đảng, Nhà nước về xã hội hoá giáo dục. Một loạt các trường ĐH, CĐ đã có bộ mặt mới; tạo ra nhiều lao động cho xã hội”.

Tuy nhiên, theo TS Trần Đức Quý, lượng lao động qua đào tạo cơ bản, có chất lượng còn ít và khả năng tiếp cận công việc ngay tại doanh nghiệp chưa cao. Để tạo ra nguồn lao động đạt yêu cầu, trước hết phải nhận thức đúng về chất lượng nhân lực.

Nếu nói nhân lực chất lượng cao là người có trình độ cao hay người nắm giữ công nghệ kỹ thuật cao là chưa đủ. Hoặc đào tạo chất lượng cao là đẩy mạnh đào tạo sau đại học hay đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật tiên tiến cho các cơ sở đào tạo cũng chưa đủ.

TS Trần Đức Quý cho rằng, nhân lực chất lượng cao phải hội tụ đủ các yếu tố: Thoả mãn nhu cầu của người sử dụng lao động (chủ yếu là doanh nghiệp); Khả năng làm việc nhóm tốt (kỹ năng mềm trong phối hợp lao động); Phải trung thành với đất nước, với doanh nghiệp, ý thức tổ chức và kỷ luật lao động tốt (không thể có kỹ thuật cao nhưng dễ dàng chuyển chỗ làm).

Còn nhân lực có chất lượng phải thể hiện năng lực trong mọi khâu của quá trình tạo ra sản phẩm. Tức là dù là kỹ sư hay cử nhân, kỹ thuật viên hay công nhân kỹ thuật thì vẫn phải hội đủ 4 tiêu chí: Tự mình lập kế hoạch, tự thực hiện, tự kiểm tra và tự luôn luôn cải tiến, đổi mới mình.

Cần “cú huých” trong đào tạo

Để tạo được nguồn nhân lực lao động có chất lượng, theo các chuyên gia, phải có một tổng thể các giải pháp để thực hiện, chỉ mình khối các trường hoặc từng trường không thực hiện được.

Các trường đào tạo nghề ở Việt Nam còn ít thực hành và xa rời doanh nghiệp

Theo TS Trần Đức Quý, phải xác định rõ nhu cầu của doanh nghiệp sử dụng lao động để đào tạo gần với thực tiễn. Bởi hiện nay nhà trường đào tạo các kỹ năng cần thiết cho sinh viên còn xa rời doanh nghiệp (một phần nguyên nhân là các trường rất khó khăn về cơ sở vật chất);

Cạnh đó, trường phải phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng chuẩn đào tạo trên cơ sở yêu cầu của các doanh nghiệp; Cập nhật các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới và ứng dụng phù hợp điều kiện Việt Nam; Tăng cường gắn việc học lý thuyết với thực hành thực tiễn và tiếp cận công nghệ mới, tiến bộ (đối với cả giáo viên và sinh viên); 

Thực tế hiện nay công tác đào tạo còn khó khăn, do ngân sách chi thường xuyên cho các khối trường ĐH, CĐ ở Việt Nam rất eo hẹp, chỉ đáp ứng từ 8-20%, tuỳ từng trường. Vì thế, điều kiện thí nghiệm, thực hành chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo.

Bên cạnh các giải pháp trên, nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp sử dụng lao động cần minh bạch quá trình tuyển dụng để thu hút đúng lao động,  phải đãi ngộ xứng đáng những lao động chất lượng cao. 

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giầy Việt Nam, cho rằng hiện nay đầu tư của Nhà nước cho nghiên cứu và đào tạo nhân lực ngành Công Thương chưa tập trung nên hiệu quả thấp, các doanh nghiệp vẫn phải bỏ tiền ra đào tạo và đào tạo lại lao động. Sự phối hợp giữa các viện nghiên cứu, các trường, trung tâm đào tạo nghề công thương còn chưa tốt. Trong khi đó, các viện, các trường còn dùng tiền ngân sách Nhà nước khá nhiều.

Cho nên, ông Thuấn đề nghị Nhà nước cần tạo ra “cú huých” để tăng khả năng liên kết giữa các hiệp hội, các doanh nghiệp với các viện, trường trong đào tạo nhân lực. Như thế vừa giảm tiền đầu tư của Nhà nước mà các đặt hàng nghiên cứu, đào tạo từ phía doanh nghiệp đối với các viện, trường sẽ thiết thực và hiệu quả./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên