Cần giải pháp chống thất thu thuế từ mô hình kinh tế nền tảng
VOV.VN- Mô hình kinh tế nền tảng đang dần bộc lộ khiếm khuyết, cần sự can thiệp của Nhà nước để bảo vệ người tiêu dùng, người lao động, chống thất thu thuế.
Ngày 1/8, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Tọa đàm “Xu hướng chính sách đối với kinh tế nền tảng”.
Kinh tế nền tảng là hoạt động kinh tế và xã hội tạo nên dựa trên các hạ tầng nhất định mà mặc định được hiểu là các hạ tầng kỹ thuật số. Các nền tảng như vậy thường là những người kết nối trực tuyến hoặc các khung công nghệ.
(Ảnh minh họa: Tạp chí DNTM)
Trong hơn 1 thập kỷ qua, kinh tế nền tảng đã xuất hiện trong nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, mạng xã hội, hàng tiêu dùng, giáo dục, năng lượng, tài chính, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ cung ứng lao động, dịch vụ hậu cần và giao hàng, phương tiện truyền thông, bán lẻ cho đến vận tải và du lịch.
Nhiều ý kiến của các diễn giả tại tọa đàm cho rằng, đã tới lúc cần có quan điểm nhất quán và rõ ràng về mô hình kinh tế nền tảng. Đồng thời, cần có tầm nhìn bao quát cũng như có cơ chế phối hợp liên ngành tốt hơn khi soạn thảo chính sách liên quan tới kinh tế nền tảng. Việc ban hành các chính sách rời rạc theo từng ngành, thậm chí là thiếu nhất quán sẽ làm ảnh hưởng tới mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số.
Theo ông Trần Trọng Tuyến, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, mô hình kinh tế nền tảng đã phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam và trên thế giới, mang lại nhiều lợi ích như, tăng năng suất, giảm chi phí, tạo ra các thị trường mới cũng như gia tăng sự linh hoạt của thị trường lao động.
Ghi nhận tính ưu việt của các nền tảng, chẳng hạn như, tạo điều kiện cho các giao dịch diễn ra nhanh chóng, tận dụng tối ưu nguồn tài nguyên sẵn có, thúc đẩy cạnh tranh và tăng chất lượng dịch vụ, PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng, đây là xu thế không thể đảo ngược và cần được khuyến khích phát triển.
Trong xu hướng hiện nay, một nền tảng sẽ cung cấp kết nối cho nhiều ngành thay vì chỉ hạn chế trong lĩnh vực vận tải hay giao nhận hàng, thực phẩm, dược phẩm… Nếu tất cả các ngành đều coi một nền tảng thuộc về lĩnh vực của mình thì khi xuất hiện một nền tảng mới sẽ phải mất tới 2-3 năm để tranh cãi và tìm câu trả lời.
Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, mô hình kinh tế nền tảng đã dần bộc lộ một số khiếm khuyết cần đến sự can thiệp của Nhà nước để bảo vệ người tiêu dùng, người lao động, chống thất thu thuế với các nền tảng hoạt động xuyên biên giới. Bởi có một số sản phẩm, dịch vụ, phương thức kinh doanh mới ra đời nhưng cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt các cơ quan thuế chưa bắt kịp để có thể kiểm soát nhằm khai thác nguồn thuế cho Nhà nước một cách tối ưu. Mặt khác, Việt Nam chưa có sự tiếp cận chính sách cũng như đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc xây dựng các quy định đối với mô hình kinh tế mới này.
Có cùng nhận định với PGS.TS Ngô Trí Long và các diễn giả về sự cần thiết có một cách tiếp cận thống nhất và cởi mở đối với mô hình kinh tế nền tảng, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Viện Nhà nước và Pháp luật cũng nêu thêm một số vấn đề cốt lõi về chính sách và pháp luật đối với các nền tảng.
Theo ông Dương, ứng xử của các quốc gia đối với các dịch vụ mới trên Internet còn khác biệt, thậm chí trái ngược nhau, do việc tiếp cận dịch vụ trong khuôn khổ WTO còn mơ hồ, chưa hoàn thiện và phụ thuộc nhiều vào các cuộc đàm phán thương mại cũng như bối cảnh tại từng quốc gia.
Ông Dương nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp không nhất thiết phải thực hiện tất cả các công đoạn của một chuỗi cung ứng dịch vụ mà có thể lựa chọn một hoặc một số công đoạn để đầu tư. Đây cũng là lý do để kinh tế nền tảng có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm qua trên phạm vi toàn cầu”.
Ông Dương cũng lưu ý, trong quá trình quản lý các nền tảng, Nhà nước cần chú trọng xem xét các điều kiện giao dịch chung, đặc biệt trong việc phân định trách nhiệm các bên để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo vệ các đối tác yếu thế trong giao dịch./.
90% chi tiêu bằng tiền mặt, đường tới nền kinh tế số còn gian nan