Cần gỡ vướng cho các khoản vay hỗ trợ lãi suất nông nghiệp

Thủ tục cho vay rườm rà và chặt chẽ hơn so với vay theo cơ chế thông thường khiến người nông dân không mặn mà với các khoản vay hỗ trợ lãi suất.

Cơ chế hỗ trợ lãi suất là giải pháp kích thích kinh tế quan trọng của Nhà nước đối với nền kinh tế. Do chưa có tiền lệ thực hiện cơ chế này trên phạm vi cả nước và cho nhiều đối tượng vay vốn nên đã phát sinh một số vấn đề trong quá trình tổ chức thực hiện.

Nông dân không mặn mà

Theo đánh giá chung, cơ chế cho vay hỗ trợ lãi suất với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định 497/QĐ-TTg kết quả đạt thấp. Ông Nguyễn Văn Sỹ - Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam cho rằng, các khoản vay theo Quyết định 497 chỉ hỗ trợ với người mua máy móc của các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Thế nhưng, thực tế tính năng của các loại máy móc trong nước sản xuất lại không bằng sản phẩm cùng loại của nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc.

Bên cạnh đó, khi đi vay ngân hàng đòi hỏi người dân phải thế chấp. “Trước đây, nông dân đã dùng tài sản, đất đai, nhà cửa của mình để vay một số khoản khác rồi. Bây giờ đòi hỏi phải có tài sản thế chấp thì họ biết lấy gì để thế chấp?” – ông Nguyễn Văn Sỹ nêu bất cập.

Theo ông Sỹ, việc cho vay cũng thể hiện rõ sự bất bình đẳng giữa các hợp tác xã. Ví dụ, các hợp tác xã vận tải có thể thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay, trong khi các hợp tác nông nghiệp không thể làm được điều này.

Ông Lê Đình Khanh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương khẳng định rõ vai trò của gói kích thích kinh tế này. “Chính sách này cứu nguy cho các doanh nghiệp, ngân hàng, thúc đẩy sản xuất phát triển, giải quyết việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, các khoản vay ưu đãi lại không nhất quán về thời gian cho vay. Ví dụ, cho vay làm nhà thì được hỗ trợ lãi suất 12 tháng (hỗ trợ 4% lãi suất), trong khi mua máy móc sản xuất thì được hỗ trợ 24 tháng (hỗ trợ 100% lãi suất). Qui định này thể hiện rõ sự bất cập ở chỗ: làm nhà thì không thể thu hồi vốn nhanh bằng sản xuất kinh doanh.

Cùng chia sẻ quan điểm của ông Nguyễn Văn Sỹ về qui định phải có phương án kinh doanh mới được vay vốn hỗ trợ lãi suất, ông Lê Đình Khanh cho rằng, nhiều nông dân ở miền núi còn không biết chữ thì làm sao lập được phương án kinh doanh (?). Cách làm của chúng ta ở đây chưa phù hợp. “Nếu áp dụng cho vay tín chấp thì sẽ dễ dàng giải ngân hơn” – ông Lê Đình Khanh nói.

Sẽ có những thay đổi lớn

Ông Nguyễn Văn Sỹ cho rằng, thời gian cho vay quá ngắn và thủ tục rườm rà đã khiến người dân không mặn mà với khoản vay được hỗ trợ lãi suất. Tất cả các khoản vay hỗ trợ đều thông qua các Ngân hàng Thương mại và tiến hành bình thường như các khoản vay khác. Điều này là không hợp lý vì với một khoản vay cấp tốc trong thời kỳ khủng hoảng không thể tiến hành từ từ, bình thường được. Vì thế người dân không mặn mà với các khoản vay được hỗ trợ. “Nên thay đổi qui trình, thủ tục cho vay”, ông Sỹ kiến nghị.

Phản ánh này của ông Nguyễn Văn Sỹ cũng phù hợp với đánh giá của Thanh tra NHNN, đó là điều kiện, thủ tục cho vay hỗ trợ lãi suất chặt chẽ hơn so với vay theo cơ chế thông thường.

Thừa nhận những bất cập, chồng chéo, không nhất quán trong các quyết định cho vay hỗ trợ lãi suất, ông Nguyễn Đồng Tiến – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra dẫn chứng: Quyết định 497 hỗ trợ lãi suất khi mua các sản phẩm máy móc công nghiệp sản xuất trong nước. Thế nhưng đến giờ Bộ Công thương vẫn chưa đưa ra được qui định thế nào là máy móc sản xuất trong nước. Hay, tất cả máy móc phục vụ nông nghiệp đều được hỗ trợ lãi suất nhưng danh mục của Bộ Công thương đưa ra lại chỉ có một số sản phẩm (máy vò chè, máy tẽ ngô…).

Về việc liệu có sử dụng hết hay vượt quá khoản 1 tỷ USD để hỗ trợ lãi suất, ông Nguyễn Đồng Tiến nói: Với dư nợ tất cả các khoản của năm 2009 khoảng 600.000 tỷ đồng thì khoản hỗ trợ sẽ khoảng 17.000 tỷ đồng. Sau khi Chính phủ bổ sung các quyết định về vay trung dài hạn, cho nông nghiệp nông thôn thì khả năng sẽ sử dụng hết hoặc không hết khoản tiền này. Bởi vì, thực tế chúng ta không thể biết người dân có vay theo đúng dự kiến của mình hay không.

Thời điểm nào nên kết thúc việc hỗ trợ lãi suất cũng là vấn đề được nhiều chuyên gia kinh tế quan tâm. Các chuyên gia kinh tế của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) khuyến cáo, chính sách hỗ trợ lãi suất cần được xóa bỏ sớm hơn dự kiến. Mặt khác, các vụ kiện bán phá giá với hàng xuất khẩu của Việt Nam gần đây và có thể tăng lên trong thời gian tới khi kinh tế thế giới hồi phục, trong đó liên quan đến vấn đề hỗ trợ lãi suất.

Theo ông Nguyễn Đồng Tiến, trong những tháng cuối năm 2009 suy giảm kinh tế đã được ngăn chặn, nền kinh tế đang lấy lại đà tăng trưởng, những biểu hiện không tích cực của cơ chế hỗ trợ lãi suất đã bộc lộ, tác động không thuận lợi đối với ổn định kinh tế vĩ mô và hoạt động ngân hàng. Nếu kéo dài sẽ phát sinh tâm lý ỷ lại, giá cả và lợi nhuận sản phẩm không phản ánh đúng năng suất, hiệu quả của hoạt động sản xuất-kinh doanh và sẽ ảnh hưởng đến tính cạnh tranh, phát triển bền vững. Thực tế, thời hạn thực hiện hỗ trợ lãi suất đã được công khai, minh bạch ngay từ khi triển khai thực hiện giúp doanh nghiệp, hộ sản xuất chuẩn bị về tâm lý, kế hoạch sản xuất-kinh doanh, ít bị sốc khi cơ chế hỗ trợ chấm dứt vào cuối năm 2009./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên