Cần một cộng đồng doanh nghiệp vững chãi để phát triển trong đại dịch
VOV.VN -Trước cả “nguy” và “cơ” từ suy giảm kinh tế do đại dịch, 95% DN quy mô nhỏ và vừa cần một cộng đồng vững chãi làm chỗ dựa tin cậy để phát triển lâu dài.
Đại đa số dễ bị tổn thương và lan rộng cả nền kinh tế
Quy mô nhỏ, vừa và siêu nhỏ của đại đa số doanh nghiệp gần như đồng nghĩa với tính dễ bị tổn thương và bị bỏ lại phía sau trong điều kiện kinh doanh bình thường. Khi có sự thay đổi đột ngột theo hướng bất lợi, khả năng dễ bị tổn thương còn cao hơn.
Điều này làm giảm tích lũy nội lực từng doanh nghiệp, làm sức chống chịu nền kinh tế yếu đi và giảm cầu việc làm, tăng thất nghiệp, tăng áp lực chính sách an sinh.
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I và II/2020, quy mô bị thu hẹp khi tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) giảm lần lượt từ 3,82% xuống 1,81%. Nhu cầu mở rộng quy mô kinh tế, khai thông mạnh thị trường trong và ngoài nước từ quý III để tạo nền tảng phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ cấp bách.
Rất cần một cộng đồng doanh nghiệp vững chãi để phát triển sau đại dịch. |
Cũng trong thời gian này, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29,2 nghìn, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước; 19,6 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể, giảm 10,2%; 7,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 5%, trong đó 6,6 nghìn doanh nghiệp quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 6,4%; 108 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, tăng 0,9%.
Có 22,4 nghìn doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm trước. Lượng người lao động thất nghiệp lên đến con số 1,8 triệu người.
Những con số này cho thấy, tổng quy mô doanh nghiệp giảm xuống không nhỏ mặc dù đã có biện pháp hỗ trợ quyết liệt và kịp thời của Chính phủ với tổng trị giá hỗ trợ lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng cho nhiều đối tượng, gồm doanh nghiệp thuộc mọi thành phần và quy mô.
Tình hình này còn tồi tệ hơn ở nhiều nước do tăng trưởng đạt ở mức thấp nhất trong vòng 50 năm, khoảng 1% ở Trung Quốc, thậm chí tăng trưởng âm -8% ở Mỹ , thất nghiệp tràn lan mặc dù các gói cứu trợ khẩn cấp áp dụng lên đến hàng nghìn tỷ USD.
Cả “nguy” và “cơ” đều rất lớn
Mối nguy xuất hiện từ suy giảm kinh tế thế giới và quốc gia, chuỗi cung ứng bị đứt gãy do biện pháp giãn cách xã hội để chống đại dịch làm gián đoạn, ngưng trệ sản xuất và tiêu thụ. Việc sa thải lao động hàng loạt là nguy cơ của tệ nạn xã hội phát sinh.
Mối nguy do tổng cầu giảm và cạnh tranh tăng do xu hướng tự do hóa không ngừng nghỉ. Nguy cơ đối tác nước ngoài có chiến lược tranh thủ thời điểm khó khăn mua lại doanh nghiệp trong nước có lợi thế cao với giá thấp để chờ cơ hội mới sau đại dịch. Rủi ro bán rẻ tài sản doanh nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài xuất hiện.
Nguy cơ chắc chắn còn tiếp diễn nếu đại dịch không được kiểm soát hiệu quả hay việc phát triển vaccine chống chủng virus Corona không đạt được kết quả thực tế là ngăn chặn và chấm dứt đại dịch.
Việc phục hồi chuỗi cung ứng, phát triển chuỗi mới đòi hỏi cao chi phí doanh nghiệp trong điều kiện khắc nghiệt ngoài mong đợi như thiếu hụt trầm trọng nguồn cung nguyên liệu, linh kiện đối với hàng loạt doanh nghiệp chuyên gia công và lắp ráp.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ dễ bị tổn thương nên rất cần sự đồng hành của Chính phủ và Nhà nước để vực dậy sau đại dịch. |
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao khoảng 200%, cho nên chuỗi cung ứng quốc tế có ảnh hưởng quá nửa đến khả năng sáng tạo giá trị nền kinh tế. Nguy cơ suy giảm càng cao khi khả năng kết nối nền kinh tế với phần còn lại thế giới thấp.
Cơ may hình thành từ áp lực điều chỉnh, đổi mới phương thức kinh doanh để sống còn và phát triển, thị trường mới mở ra từ các Hiệp định thương mại tự do được ký kết như CPTPP, EVFTA. Các mô hình quản trị tinh gọn và sử dụng giao dịch trực tuyến được áp dụng góp phần giảm thiểu chi phí trung gian và chi phí giao dịch. Đây là giải pháp giảm thiểu phần nào tác động dịch bệnh song tỷ lệ số hóa doanh nghiệp và nền kinh tế chưa đạt như mong đợi.
Sự hỗ trợ của Chính phủ đang được phát huy hiệu năng, không chỉ hỗ trợ chi phí trực tiếp mà còn biện pháp giảm thuế, giãn thuế, hạ lãi suất khoảng 1-2% so với trước đại dịch, cắt giảm điều kiện kinh doanh và cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tiết kiệm chi phí tối đa cho doanh nghiệp.
Việc phát triển các dịch vụ công trực tuyến đang góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, tạo động lực chuyển đổi số doanh nghiệp, các tác nhân liên quan và cả nền kinh tế
Cộng đồng cao sứ mệnh, chung lợi ích, giảm thiểu rủi ro và sáng tạo giá trị
Với số lượng doanh nghiệp đến thời điểm hiện tại khoảng 600.000, trong đó đại đa số (khoảng 95%) có quy mô nhỏ, vừa và siêu nhỏ, trước cả nguy cơ “to” và cơ hội “lớn” không thể lảng tránh, nếu để từng doanh nghiệp hành động riêng lẻ, cá biệt để vừa vượt qua “nguy to” vừa khai thác “cơ lớn” thì sẽ không hiệu quả cũng như bỏ sót nguồn hợp lực tổng thể.
Về kinh tế, hành động đơn lẻ, “mạnh ai nấy chạy” chẳng những không tiết kiệm chi phí, thời gian, nguồn lực mà còn gây lãng phí nguồn lực, trùng lặp công việc, khó sáng tạo giá trị mới. Phương châm “3 cây chụm lại thành hòn núi cao” cần được quán triệt trọng phát triển cộng đồng doanh nghiệp vào thời điểm đặc biệt khó khăn này.
Vai trò công tác và tác nhân tổ chức đặc biệt coi trọng nhất là hoạt động tích cực hiệp hội, trung tâm, diễn đàn có chức năng tư vấn nghề nghiệp, hỗ trợ đào tạo, thông tin, tài liệu, đối thoại, kết nối thành viên cũng như đề xuất sửa đổi, điều chỉnh và hoàn thiện chính sách, cơ chế hỗ trợ,
Cộng đồng có sứ mệnh cao cả là xây dựng cộng đồng, thành mạng lưới, hỗ trợ sáng tạo giá trị xã hội theo chuỗi, tạo việc làm, phát triển ngành nghề trên cơ sở bổ sung và sử dụng hiệu quả nguồn lực từng doanh nghiệp.
Các thành viên trong cộng đồng có chung lợi ích và cùng khai thác lợi ích chung, giảm thiểu rủi ro bằng cơ chế quản trị hiệu quả, mô hình quản trị hiện đại.
Phiên bản cộng đồng mới vững chãi như "kiềng 3 chân"
Xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp phiên bản mới vững chãi như “kiềng 3 chân” là cách thức để không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau. Cộng đồng không chỉ là nơi chủ yếu tập hợp ý kiến và đề xuất đơn thuần. Cộng đồng phải thực sự là chỗ dựa tin cậy, thúc đẩy kết nối và phát triển doanh nghiệp dựa trên đổi mới, sáng tạo.
Chân kiềng 1 là khai thác thế mạnh của toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp được tái tổ chức theo hướng tăng cường sự bổ sung lợi thế, khai thác nền tảng công nghệ thông tin của cách mạng công nghiệp 4.0, thương mại kỹ thuật số, kinh tế số hóa, doanh nghiệp số và khai thác nền tảng kinh tế chia sẻ. Phát triển mô hình tổ chức doanh nghiệp kết nối chuỗi chặt chẽ gồm nhà sản xuất, phân phối, tiêu thụ, ngân hàng, tác nhân cung ứng nguyên liệu, linh kiện, dịch vụ để bảo đảm sức chống chịu cao trước thay đổi bất ngờ và bất định. Có cơ chế dự báo, giảm thiểu và bảo hiểm rủi ro từ tác động dịch bệnh.
Chân kiềng 2 là sự đồng hành của Chính phủ và doanh nghiệp, trong đó, Chính phủ tạo thuận lợi cao nhất, doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ và toàn diện góp ý xây dựng và đề xuất đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đóng góp ngân sách. Các thủ tục, hồ sơ, giao dịch nên được số hóa và trực tuyến hóa để doanh nghiệp hưởng lợi cao nhất.
Chân kiềng 3 là sự tham gia tích cực, đồng bộ, đồng thời của tổ chức nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức phi Chính phủ quốc tế, diễn đàn, hội thảo hoặc các tác nhân khác vào việc phát triển cộng đồng. Đây là cách thức huy động nguồn lực từ nhiều nguồn linh hoạt, sáng tạo cần thực hiện đầy đủ cao nhất./.