Cần tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển dịch vụ logistics
VOV.VN - Chính phủ yêu cầu phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Sáng nay (23/11), dự và phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 với chủ đề: “Logistics nâng cao giá trị nông sản”, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, trong thời gian tới, logistics sẽ là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh, bền vững.
Diễn đàn do Bộ Công thương phối hợp với Thời báo Kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức.
Diễn đàn thu hút hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia. |
Tham dự Diễn đàn có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; các địa phương có hệ thống cảng biển; ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cùng hơn 1.000 đại biểu đại diện cho các Tập đoàn doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI; các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.
Với mục tiêu “khơi thông dòng chảy logistics”, Diễn đàn “Logistics nâng cao giá trị nông sản” đề cập đến những vấn đề mang tính chiến lược và thực tiễn của ngành logistics Việt Nam trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế, trước xu hướng phát triển của công nghệ số. Các đại biểu tập trung phân tích và đề xuất giải pháp phát triển logistics hành lang kinh tế Đông tây, các mô hình kinh tế chia sẻ trong logistics, nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.
TS Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nền nông nghiệp trong nước tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 70% dân số, chiếm 16% trong GDP của nền kinh tế và tạo ra 30% giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, điểm nghẽn trong logistics nông nghiệp hiện nay là chi phí cho logistics còn cao, kết nối hạ tầng cho logistics nông nghiệp còn nhiều bất cập, năng lực lưu kho và chuỗi cung ứng lạnh còn hạn chế, chuỗi cung ứng dịch vụ logistics hầu hết do các doanh nghiệp nhỏ thực hiện nên tính kết nối chưa cao.
Hệ thống cảng biển hiện nay chưa thật sự mang tính kết nối và hiện đại. |
Theo TS Nguyễn Quốc Toản, hiện nay dịch vụ logistics mới chỉ phát triển ở những thành phố lớn, trong khi những vùng trọng điểm nông nghiệp lại thiếu vắng dịch vụ này; Kênh phân phối sản phẩm nông sản qua chợ đầu mối và chợ dân sinh còn chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng.
“Nước ta có khoảng 44.000 doanh nghiệp tham gia vào sân chơi này. Trong đó, 88% là doanh nghiệp trong nước, 10% là doanh nghiệp liên doanh và 2% là các doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp trong nước quy mô còn nhỏ lẻ và phân tán, còn các doanh nghiệp nước ngoài tuy chiếm số lượng ít nhưng chiếm thị phần khoảng 70 đến 80%” - TS Nguyễn Quốc Toản nói.
Hiện nay, ngành dịch vụ logistics duy trì tốc độ tăng trưởng qua các năm với mức tăng khoảng 13 đến 15%/năm. Kết quả này không thể tách rời đà tăng trưởng của kinh tế nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển ngành vận tải và logistics như: Trao đổi thương mại toàn cầu gia tăng cùng với việc hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, với việc ký kết thành công các Hiệp định tự do thương mại, gần đây là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU; Việt Nam có vị trí địa lý thích hợp để xây dựng các trung tâm trung chuyển của khu vực Đông Nam Á với cơ sở hạ tầng (kho bãi, đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không...) được cải thiện.
Các bộ, ngành đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm và đơn giản hóa các điều kiện đầu tư - kinh doanh, xây dựng chính phủ điện tử và triển khai dịch vụ công trực tuyến. Việc đưa các thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu lên cơ chế Một cửa Quốc gia, kiểm tra chuyên ngành cũng được cải tiến theo hướng giảm bớt số lượng mặt hàng phải kiểm tra, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, minh bạch hóa tiêu chuẩn, quy chuẩn để kiểm tra... Tất cả những biện pháp này đều góp phần tạo thuận lợi thương mại, cắt giảm chi phí logistics.
“Bộ Công thương ban hành Quyết định 708 phê duyệt kế hoạch cải thiện chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam với những nhiệm vụ cụ thể, gắn bó chặt chẽ với nhau, hướng tới các mục tiêu về chỉ số thành phần trong năng lực cạnh tranh về logistics( LPI), về chi phí hiệu quả của logistics với mục tiêu tạo ra những nỗ lực chung hoàn thiện môi trường của phát triển logistics tại Việt Nam” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Phát biểu tại Diễn đàn này, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành rất nỗ lực xây dựng khung khổ pháp lý, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng lành mạnh cho hoạt động logistics ở Việt Nam nhưng trong triển khai, các cơ quan quản lý cấp sở, ngành, địa phương, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Công tác phối hợp nghiên cứu, xây dựng quy hoạch của các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự phát huy hiệu quả, hiệu lực. Một số địa phương có tiềm năng nhưng cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư tương xứng nên các hoạt động dịch vụ logistics nhìn chung chưa phát triển được. Chi phí dịch vụ logistics còn cao, khả năng ứng dụng công nghệ cũng như trình độ nguồn nhân lực logistics còn hạn chế…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị: “Chính phủ cũng yêu cầu phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics thành dịch vụ phát triển hàng hóa xuất nhập khẩu và cả thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin. Thủ tướng cũng chủ trương phát triển dịch vụ logistics mạnh nhưng phải bền vững và lành mạnh cho các doanh nghiệp.”
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội, doanh nghiệp phát huy tốt hơn nữa những kết quả đạt được trong thời gian qua, có những bước phát triển mới trong lĩnh vực logistics để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch đề ra, xứng đáng với vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của ngành logistics trong sự nghiệp phát triển của đất nước.
Để ghi nhận những thành tích, nỗ lực và đóng góp của các tập thể, cá nhân trong việc phát triển ngành dịch vụ logistics Viet Nam, trong khuôn khổ Diễn đàn, Bộ Công thương trao Bằng khen tặng 16 tập thể và 4 cá nhân có thành tích trong phát triển dịch vụ logistic. Trong đó có Ban Thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam./.
Nâng cao hiệu quả dịch vụ Logistics tại Hải Phòng