Cần Thơ chung tay tiêu thụ nông sản, giúp nông dân ĐBSCL

VOV.VN - Trước tác động của dịch bệnh Covid-19, nhiều nông sản của các tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trong vụ thu hoạch cũng gặp khó khăn về tiêu thụ.

Trước tình hình này, các cấp, các ngành cùng người dân Cần Thơ đã có nhiều hoạt động nhằm tiêu thụ nông sản với giá bình ổn. Đây cũng là hành động “tương thân tương ái” đầy ý nghĩa giữa đại dịch Covid-19.

Gần 1 tháng trở lại đây, trên một số tuyến đường như: 30/4, Trần Văn Khéo, Trần Hoàng Na, Nguyễn Văn Linh - 91B… của TP. Cần Thơ không khó bắt gặp các bảng ghi dòng chữ “Giải cứu khoai lang tím cho bà con Vĩnh Long” với giá bán từ 3.000 – 5.000 đồng/kg thu hút sự chú ý của nhiều người. Được biết, giá khoai lang tím tại tỉnh Vĩnh Long đã xuống giá ở mức kỷ lục chỉ khoảng 650 đồng/kg, người dân trồng khoai thua lỗ nặng nề.

Người dân ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho biết, mỗi công đất của nhà thì lỗ tầm từ 15 - 17 triệu đồng, còn đất đi thuê để trồng khoai phải chịu lỗ đến 20 triệu đồng. Do vậy, khi thấy khoai lang tím Nhật được nhiều cơ quan, các bạn trẻ trên địa bàn Cần Thơ rao bán, người dân đã không ngần ngại ủng hộ, với tấm lòng “được bao nhiêu hay bấy nhiêu”.

Không bán với giá rẻ, tuổi trẻ Công an TP. Cần Thơ đã vận động quyên góp 18 triệu đồng, tổ chức hoạt động “hỗ trợ tiêu dùng” phát miễn phí 6 tấn khoai lang tím Nhật của bà con nông dân huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho người dân khó khăn tại Cần Thơ.

Theo Thượng úy Nguyễn Tứ Thiên, Bí thư Đoàn thanh niên Công an thành phố Cần Thơ, ngoài hỗ trợ bà con tỉnh Vĩnh Long, trong những ngày qua, cán bộ, chiến sĩ công an thành phố tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ  khoảng 5,5 tấn xoài tượng da xanh ở huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ; hơn 5 tấn hành tím ở tỉnh Sóc Trăng; 1,5 tấn dâu da xanh ở huyện Phong Điền, Cần Thơ và 5 tấn vải thiều ở tỉnh Bắc Giang. Các loại trái cây đều được chính lực lượng Công an thành phố cho xe đến tận nơi mua và chở về bán cho người dân với giá hợp lý.

“Việc làm này thể hiện tinh thần tương thân tương ái đối với tất cả người dân khi cực khổ mà tìm được đầu ra trong dịch Covid-19. Đây còn thể hiện tấm lòng hỗ trợ khi hoạn nạn và đó cũng là tấm lòng của toàn thể lực lượng cán bộ, chiến sĩ của Công an thành phố Cần Thơ đối với người nông dân” - Thượng úy Nguyễn Tứ Thiên nói.

Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Cần Thơ cũng khai trương điểm kết nối tiêu thụ nông sản tại trụ sở làm việc, giới thiệu và bán hàng nông sản gặp khó khăn đầu ra, nhất là của người dân địa phương. Các cấp hội phụ nữ thành phố đã triển khai dưới nhiều hình thức, từ đăng ký mua trực tiếp, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng; hay trưng bày, đóng gói và bày bán tại sảnh nơi làm việc, qua các trang mạng xã hội. Hội đã tiêu thụ được hàng chục tấn nông sản cho người dân như: Dâu da xanh – xoài tượng da xanh ở huyện Phong Điền, vải thiều ở tỉnh Bắc Giang...

Bà Võ Kim Thoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Cần Thơ cho biết: “Người nông dân hãy cố gắng, cả nước sẽ cùng chung tay, Hội phụ nữ thành phố cũng sẽ cùng chung tay với các hộ nông dân. Hy vọng với sự chung tay, góp sức và tương thân tương ái này, cũng sẽ giúp được cho người dân giảm bớt được khó khăn, ổn định cuộc sống và vượt qua đại dịch Covid-19”.

Cầm trên tay những bịch dâu da xanh, vải thiều vừa mua tại trụ sở Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Cần Thơ, chị Dương Thị Nga, ở quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ bày tỏ: “Nghe Hội phụ nữ kêu gọi, em mua nông sản cho người nông dân đỡ phải chịu thiệt thòi. Khi mà dịch đến, người nông dân không bán được hàng, ở nơi xa, mình cảm thấy thương. Hoạt động này rất có ý nghĩa, nên lan tỏa để cho mọi người cùng hiểu và chia sẻ khó khăn”.

Thực hiện Chỉ thị số 08 của Bộ Công Thương và chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ về hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản của các địa phương có sản lượng lớn, sản xuất tập trung trong bối cảnh dịch Covid-19, một số hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đã tung các chương trình hỗ trợ nông sản, bán hàng không lợi nhuận, nhằm giúp nông dân thu hồi vốn.

Đại diện siêu thị GO! Cần Thơ - bà Hồ Quang Kiều, Giám đốc siêu thị cho biết, hiện nay 42 siêu thị trong hệ thống siêu thị GO! Big C và mini GO! đều dành vị trí tốt nhất trong cửa hàng để trưng bày các nông sản cần tiêu thụ nhanh như: vải thiều, khoai lang tím Nhật, hành tím… giới thiệu tới người tiêu dùng. Ngoài ra, trong năm 2021, hệ thống đã kích cầu tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử TIKI, đồng thời bán hàng trực tuyến thông qua các ứng dụng GO! Big C, Zalo, Facebook.

Việc cả nước chung tay tiêu thụ nông sản cho người nông dân là hoạt động hết sức cao đẹp trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nông sản Việt Nam không thể mãi trông chờ hoạt động “tiêu thụ dùm” như thế này mà phải tự biết “chuyển mình”; sản xuất phải gắn với chuỗi giá trị để tiêu thụ. Dịch bệnh Covid -19 vừa là thử thách lớn, nhưng cũng lại là cơ hội để người nông dân Việt Nam đẩy nhanh cơ cấu lại kinh tế với tầm nhìn dài hạn hơn.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ nhấn mạnh: “Các tỉnh ĐBSCL cũng như các tỉnh gặp khó khăn thì cả hệ thống chính trị và bà con sẽ chia sẻ đối với những địa phương đó. Tuy nhiên đây là cách làm tình thế, về lâu dài chúng ta phải có một chiến lược hết sức căn cơ, nâng cao giá trị thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap để làm sao đẩy mạnh xuất khẩu, một phần thì tiêu thụ trong nước, có như vậy sản xuất mới bền vững”.

Những nỗ lực của các cấp, các ngành, các bạn trẻ Cần Thơ đứng ra làm trung gian kết nối, tiêu thụ nông sản giúp người nông dân tại ĐBSCL và tỉnh Bắc Giang thời điểm này rất đáng trân trọng, thể hiện tình cảm, trách nhiệm với cộng đồng, chung tay chia sẻ khó khăn với bà con, góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua kênh bán hàng trực tuyến
Thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua kênh bán hàng trực tuyến

VOV.VN - Phải tạo lập kênh bán hàng trực tuyến bền vững, lâu dài, qua các sàn thương mại điện tử, đảm bảo đầu ra bền vững cho nông sản.

Thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua kênh bán hàng trực tuyến

Thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua kênh bán hàng trực tuyến

VOV.VN - Phải tạo lập kênh bán hàng trực tuyến bền vững, lâu dài, qua các sàn thương mại điện tử, đảm bảo đầu ra bền vững cho nông sản.

Khánh Hòa tìm hướng tiêu thụ nông sản giúp nông dân
Khánh Hòa tìm hướng tiêu thụ nông sản giúp nông dân

VOV.VN - Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến việc tiêu thụ các loại thủy sản, nông sản ở tỉnh Khánh Hòa rất nhiều khó khăn.

Khánh Hòa tìm hướng tiêu thụ nông sản giúp nông dân

Khánh Hòa tìm hướng tiêu thụ nông sản giúp nông dân

VOV.VN - Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến việc tiêu thụ các loại thủy sản, nông sản ở tỉnh Khánh Hòa rất nhiều khó khăn.

Lào Cai hưởng ứng Tuần lễ giao thương xúc tiến tiêu thụ nông sản
Lào Cai hưởng ứng Tuần lễ giao thương xúc tiến tiêu thụ nông sản

VOV.VN - Song song với đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, Lào Cai cũng thiết lập riêng phương án đón vải thiều từ vùng dịch Bắc Giang đi xuất khẩu.

Lào Cai hưởng ứng Tuần lễ giao thương xúc tiến tiêu thụ nông sản

Lào Cai hưởng ứng Tuần lễ giao thương xúc tiến tiêu thụ nông sản

VOV.VN - Song song với đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, Lào Cai cũng thiết lập riêng phương án đón vải thiều từ vùng dịch Bắc Giang đi xuất khẩu.