Cần Thơ mở rộng diện tích cây ăn trái để phục vụ xuất khẩu
VOV.VN - Cần Thơ sẽ mở rộng diện tích vườn cây ăn trái theo hướng chuyên canh, tập trung để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện nay diện tích cây ăn trái của thành phố đã vượt 25.000 ha cùng nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao đang xuất khẩu vào các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ, với diện tích trên 25.000 ha, sản lượng trái cây của thành phố hàng năm duy trì trên 200.000 tấn. Trong đó nhiều loại trái cây chủ lực như xoài, sầu riêng, nhãn, vú sữa đã xuất khẩu đều đặn đi các thị trường quốc tế. Trái cây của Cần Thơ vào được các thị trường khó tính nhờ áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap; liên kết để tạo ra vùng chuyên canh nhằm đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.
Trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua Cần Thơ đã xuất khẩu xoài và nhãn sang thị trường Hoa Kỳ và Australia bằng đường hàng không. Việc xuất khẩu lô hàng trên sang thị trường khó tính đã khẳng định được vị thế của ngành hàng trái cây Cần Thơ.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ, diện tích cây ăn trái của thành phố không ngừng được mở rộng, giá trị của ngành hàng tăng từng năm và đóng góp quan trọng cho ngành nông nghiệp thành phố. Ngoài ra, diện tích cây ăn trái của Cần Thơ cũng góp quan trọng trong phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn thời gian qua.
Nhằm phát triển ngành hàng trái cây, Cần Thơ sẽ quy hoạch lại vùng sản xuất tập trung theo thâm canh, chuyên canh để cấp mã vùng trồng, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong xuất khẩu, gắn với truy suất nguồn gốc để phục vụ xuất khẩu, đồng thời sẽ tiếp tục mở rộng diện tích vườn cây ăn trái theo định hướng quy hoạch của thành phố.
Ông Trần Thái Nghiêm cho biết thêm: "Trong định hướng tới thì diện tích cây ăn trái không ngừng được mở rộng, toàn bộ các quận trên địa bàn thành phố Cần Thơ cũng như huyện Phong Điền và một phần của huyện Thới Lai, huyện Cờ Đỏ hình thành những vùng cây ăn trái tập trung. Đồng thời trên địa bàn các quận phát triển cây ăn trái không chỉ là hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp mà còn là xây dựng hệ sinh thái để thúc đẩy phát triển đô thị".
Theo Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, diện tích cây ăn trái ở vùng ĐBSCL khoảng 370.000 ha với nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, xoài, bưởi, nhãn, vú sữa và nhiều loại cây ăn trái khác đã xuất sang các thị trường như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác. Trong những định hướng xuất khẩu cây ăn trái, nhiều địa phương vùng ĐBSCL sẽ mở rộng diện tích cây ăn trái, hình thành những vùng chuyên canh gắn kết người dân, HTX, doanh nghiệp để đáp ứng các tiêu chuẩn, kỹ thuật của các nước nhập khẩu, hướng đến phát triển bền vững ngành hàng cây ăn trái.