Cẩn trọng với lạm phát

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tháng 10 này, chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) chỉ tăng 0,37% so với tháng 9. Như vậy, CPI tháng 10 chỉ tăng bằng một nửa của CPI tháng trước.

Kết quả này khiến không ít các chuyên gia trong ngành và ngay cả đối với cơ quan quản lý cũng bất ngờ bởi theo quy luật, CPI luôn tăng trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn cảnh báo, vẫn còn đó nhiều nỗi lo tiềm ẩn về nguy cơ lạm phát tăng cao trong những tháng cuối năm, đòi hỏi có những biện pháp điều hành cẩn trọng.

Về xu hướng chỉ số giá trong các tháng tiếp theo, các chuyên gia của Tổng cục thống kê cho rằng, sẽ tiếp tục tăng và có thể đạt mức cao hơn trong tháng này. Các yếu tố tiềm ẩn tăng giá là giá xăng dầu thế giới vẫn diễn biến bất thường, nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ khi nền kinh tế thế giới tiếp tục đón tin tốt.

Biểu hiện rõ nhất là trong tuần qua, giá xăng dầu thế giới bất ngờ tăng cao, có thời điểm vượt 80 USD/thùng, kéo theo giá xăng dầu bán lẻ trong nước tăng từ hôm 26/10 vừa qua. Các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh nhập khẩu từ nay đến cuối năm để hưởng ưu đãi thuế được áp dụng trong năm nay; tín dụng dù đã có dấu hiệu thắt chặt dần nhưng khó có thể giảm mạnh luồng tiền cấp ra vì nhu cầu vay tín dụng những tháng cuối năm vẫn sẽ tăng cao…

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính nhận định, vẫn cần cẩn trọng đối phó với CPI có thể tăng cao những tháng tới: “Chúng ta không nên mất cảnh giác vì lạm phát có thể quay lại, theo tôi là trung hạn, năm 2010, vì độ trễ của chính sách nới lỏng tài chính tiền tệ của năm 2009, có thể rơi vào năm sau. Nhưng với tinh thần điều hành tài chính tiền tệ không nới lỏng như năm 2009,  những giải pháp sẽ linh hoạt hơn, phù hợp với tình hình mới của kinh tế trong và ngoài nước. Và chúng ta cũng lường trước độ trễ của việc điều hành tài chính tiền tệ sang năm để xử lý. Theo dự báo của chúng tôi, sang năm 2010, nếu chúng ta thực hiện tốt kịch bản các bộ, ngành đưa ra thì lạm phát không tới 10%”.

Trước diễn biến của chỉ số giá tiêu dùng, TS. Vũ Đình Ánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả cho rằng, cần tập trung 5 giải pháp để giữ ổn định chỉ số này. Thứ nhất, không để mất cân đối cung cầu vào những dịp cuối năm, nhu cầu thanh toán tăng cao, chúng ta thực hiện giải ngân để tiếp tục thực hiện chương trình kích cầu, thu nhập của các tầng lớp dân cư tập trung chi tiêu vào cuối năm...;

Thứ hai là đẩy mạnh hơn chương trình kích thích kinh tế để các đối tượng thụ hưởng tập trung vào sản xuất hàng hoá đáp ứng nhu cầu trong những tháng cuối năm;

Thứ ba, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, bảo đảm không vượt quá 30% của cả năm, và giữ ổn định tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và đồng Việt Nam, đồng thời cũng giữ ổn định lãi suất cơ bản của đồng Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp không bị tăng chi phí đầu vào. Đối với việc chi ngân sách, chúng ta cũng cần giữ khoản chi trong 7% như mục tiêu Quốc hội đề ra để tránh áp lực đến mặt bằng giá;

Thứ tư, giữ ổn định giá của một số vật tư cơ bản từ nay đến cuối năm như điện,  cước vận tải, bưu chính viễn thông... một số mặt hàng mà Nhà nước còn trợ giá, trợ cước như vận chuyển lên miền núi, nông sản sản xuất tập trung của vùng khó khăn... việc này tạo điều kiện cho giữ vững mặt bằng giá, tránh những tác động gây sốc;

Thứ năm, tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, kể cả vấn đề gian lận thương mại, an toàn vệ sinh thực phẩm, chấp hành kỷ luật nhà nước về giá. Biện pháp này tránh việc lợi dụng nhu cầu tăng trong cuối năm và tránh việc lợi dụng những biến động của thị trường để tăng giá bất hợp lý./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên