Cảng hàng không Chu Lai được quy hoạch là trung tâm logistics trung chuyển hàng
VOV.VN - Cảng hàng không Chu Lai được định hướng hình thành trung tâm logistics trung chuyển hàng hóa quốc tế, hình thành trung tâm sửa chữa lớn của khu vực, có khả năng phục vụ các hãng hàng không nước ngoài.
Ngày 3/10, đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải đã vào Quảng Nam khảo sát, làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về phương án quy hoạch, đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không Chu Lai.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ, Cảng hàng không Chu Lai được quy hoạch trở thành Cảng hàng không quốc tế trong giai đoạn 2021-2030, với công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm vào năm 2030. Cảng hàng không Chu Lai còn được định hướng hình thành trung tâm logistics trung chuyển hàng hóa quốc tế, hình thành trung tâm sửa chữa lớn của khu vực, có khả năng phục vụ các hãng hàng không nước ngoài.
Theo dự thảo đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, khai thác sân bay Chu Lai do Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải đang xây dựng, có hai phương án.
Phương án 1: Công suất quy hoạch giai đoạn đến năm 2030 khoảng 10 triệu hành khách/năm, đề xuất điều chỉnh quy hoạch cảng chủ yếu tập trung các công trình hàng không dân dụng khu vực phía đông, vốn đầu tư kết cấu hạ tầng khoảng 11.000 tỷ đồng.
Phương án 2: Giai đoạn đến năm 2050 với công suất khoảng 30 triệu hành khách/năm. Từ 2021-2030 xây dựng đồng bộ một đường cất hạ cánh mới phía đông, nhà ga hành khách với công suất 10 triệu hành khách/năm, sân đỗ tàu bay; giai đoạn 2030-2050 xây dựng một đường cất hạ cánh mới phía tây, xây nhà ga hành khách 15 triệu hành khách, xây dựng khu sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay... tổng vốn đầu tư 30.000 tỷ đồng.
Hiện, tổng diện tích đất Cảng Hàng không Chu Lai khoảng 2.000 ha, trong đó đất do hàng không dân dụng quản lý khoảng 350 ha, đất do quân sự quản lý khoảng 1.650 ha.
Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trước hết Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Quốc phòng cần có buổi làm việc để làm rõ các vấn đề như phạm vi, ranh giới, hiện trạng, định hướng phát triển trong tương lai. Ngoài ra, cần sớm có phương án giải quyết trước các thủ tục đầu tư ở phần đất do hàng không dân dụng quản lý.
“Trước mắt, chúng ta nên nghiên cứu tập trung đầu tư ở khu vực phía Đông, khi nào chúng ta hoàn thiện tất cả các văn bản pháp lý có liên quan rành mạch, rõ ràng ở khu vực phía Tây thì lúc đấy mới tiếp tục đầu tư, phát triển khu vực phía Tây” - ông Thanh nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về phương án quy hoạch, đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không Chu Lai, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, ngành đang phối hợp với tỉnh Quảng Nam và các cơ quan chuyên môn hoàn thiện nội dung đề án trước ngày 20/10 đến để gửi tỉnh góp ý trước khi trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12 năm nay.
Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn: “Để triển khai các thủ tục đầu tư phía Đông sân bay Chu Lai thì sắp đến chúng tôi sẽ rà soát lại đề án và hoàn thiện theo phương án đề xuất của tỉnh Quảng Nam. Khu vực này như một khu kinh tế đặc thù có kết cấu hạ tầng giao thông hàng không và có những hoạt động sản xuất để phục vụ cho hoạt động hàng không. Trong tương lai có ga, kho hàng hóa… đấy chính là nguồn thu. Thậm chí nếu quy hoạch tốt chúng ta còn có nhiều nguồn khác nữa".
Ngày 22/3/2005, Cảng hàng không Chu Lai chính thức khai thác hàng không dân dụng với công suất 1,2 triệu hành khách/năm. Theo Quyết định 236 ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Cảng hàng không Chu Lai định hướng đến năm 2030 là cảng hàng không quốc tế cấp 4F, công suất khoảng 5 triệu hành khách/năm; đầu tư hạ tầng Cảng hàng không quốc tế Chu Lai thành trung tâm vận chuyển hàng hóa quốc tế, phát triển hệ thống bảo dưỡng tàu bay và thiết bị tàu bay./.