Cánh đồng lớn tạo bước chuyển mình ở vùng trũng Sóc Trăng
VOV.VN - Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện các mô hình sản xuất tập trung, cánh đồng lớn nên đời sống người dân cải thiện rõ rệt.
Sóc Trăng là tỉnh có hơn 30% dân số là người dân tộc Khmer. Những năm qua, cùng với đầu tư của Trung ương, Sóc Trăng đã phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương để từ một tỉnh khó khăn trước đây nay đã thay da đổi thịt, đời sống của đại bộ phận người dân vùng nông thôn và vùng đồng bào dân tộc vươn lên từng ngày.
Về xã Viên Bình, huyện Trần Đề trong những ngày đón tết cổ truyền, những ngôi nhà khang trang được bà con chuẩn bị khá tươm tất với những hàng rào được sơn phết bắt mắt, xen lẫn là những hàng bông trồng hai bên đường đang khoe sắc. Sắc xuân còn về trên cánh đồng lúa mênh mông rộng lớn nặng trĩu hạt báo hiệu một mùa vụ bội thu.
Nhiều tuyến đường nhựa được xây dựng về vùng nông thôn Sóc Trăng. |
“Từ khi tham gia sản xuất cánh đồng lớn đến nay, bà con nông dân trong thôn thấy dễ bán, dễ mua và lợi nhuận đạt cao hơn khi làm lúa thường. Làm lúa thường thương lái mua trên 5.000 – 6.000 đồng/kg thì lúa đặc sản, lúa thơm giá mua đạt trên 7.000 đồng/kg. Thấy có lợi nhuận cao, nhiều nông dân cùng tham gia sản xuất cánh đồng lớn để nâng cao năng suất và không bị thương lái vào mua ép giá”, ông Sơn tâm sự.
Viên Bình là địa phương tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hướng đến nâng cao giá trị và tăng lợi nhuận cho người dân. Phó Chủ tịch UBND xã Viên Bình ông Dương Thanh Hùng chia sẻ, từ những năm 2000 xã đã sớm xây dựng những cánh đồng mẫu chuyển đổi từ lúa thường sang sản xuất lúa chất lượng cao.
Khi người dân thấy được sự hiệu quả kinh tế đã từng bước làm theo. Đến nay, tất cả diện tích lúa của địa phương đều trồng lúa đặc sản, lúa thơm. Bà con đồng thời áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện các mô hình sản xuất tập trung, cánh đồng lớn nên mùa màng luôn trúng mùa, bán được giá.
“Trước khi chuyển đổi cơ cấu giống, tỷ lệ hộ nghèo của xã Viên Bình còn khá cao, chiếm khoảng 40%. Sau khi chuyển đổi cơ cấu giống đã giúp tăng thêm được thu nhập, tạo cho người dân có cuộc sống tốt hơn. Trong 3 năm trở lại đây, Viên Bình đã chuyển sang giống RVT đến thời điểm này, tỷ lệ hộ nghèo của xã Viên Bình không tới 40% theo tiêu chí nông thôn mới”, ông Hùng cho biết.
Rời Viên Bình, chúng tôi về xã nông thôn mới An Hiệp, huyện Châu Thành cũng cảm nhận không khí đón xuân tràn ngập khắp mọi đường làng, ngõ xóm. Nhiều nhà cửa được sơn mới, bàn thờ tổ tiên được dọn dẹp sạch sẽ; những đòn bánh tét thơm mùi nếp gói lá chuối làm biếu quà khách đến chơi đã được các bà, các mẹ làm trong mấy ngày qua.
Trên các tuyến đường, những chiếc xe gắn máy bon bon chở những chậu mai, chậu tắc, giỏ vạn thọ về chưng tết. Những đứa trẻ thì nô đùa khoe nhau quần áo mới, bao lì xì... tất cả như tô lên một mùa xuân đầy ấm cúng với bà con nơi đây.
Ông Danh Phi Rinh, ở ấp Giồng Chùa B, xã An Hiệp chia sẻ, nay hình ảnh đường làng đầy bụi bặm vào mùa khô đã còn không nữa, thay vào đó là các công trình giao thông kết nối các tuyến đường ấp liền ấp, ấp liền xã, giúp việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân thuận tiện hơn. Nhiều điểm trường được xây dựng mới đạt chuẩn quốc gia, đưa diện mạo nông thôn cũng khang trang, đón xuân mới vui tươi hơn.
“Xã An Hiệp hiện nay đang trên đà xóa đói giảm nghèo, hệ thống đường giao thông nông thôn cũng được thuận lợi. Hệ thống điện - đường - trường trạm tương đối khang trang là điều bất cứ ai cũng có thể nhận thấy ở một địa phương đang càng ngày càng phát triển”, ông Rinh tự hào cho hay.
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn hoàn thành làm thay đổi bộ mặt thôn ấp Sóc Trăng, giúp các em học sinh đi học dễ dàng. |
Niềm vui như được nhân đôi khi các chương trình dự án, chính sách dân tộc sự hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đã giúp thêm gần 11.500 hộ của tỉnh thoát nghèo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ông Ngô Hùng cho biết thêm, để các chủ trương, chính sách ngày càng đi vào đời sống đồng bào dân tộc, Sóc Trăng sẽ có những giải pháp tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, triển khai xây dựng nhân các công trình trọng điểm và chương trình xây dựng nông thôn mới.
“Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư, tạo cơ hội cho nông dân, nhất là những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sẽ tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất để tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích và tăng thu nhập cho người lao động”, ông Hùng khẳng định./.
Sóc Trăng mở rộng sản xuất lúa đặc sản