Cánh đồng lớn vẫn... nhỏ
Sau 2 năm Chính phủ khuyến khích dựng 'cánh đồng lớn' với nhiều ưu đãi, đến thời điểm này kỳ vọng về 'cánh đồng mẫu' vẫn chưa thành hiện thực.
Diện tích cánh đồng lớn trên cả nước đạt hơn 550.000 ha. Con số này được Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam thông tin tại Hội nghị sơ kết sau 2 năm thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, tổ chức tại TP.HCM hôm qua 10/11.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, các mô hình cánh đồng lớn đều cho hiệu quả rõ rệt, song theo ông nhận định tốc độ mở rộng diện tích cánh đồng lớn trên cả nước còn chậm.
Mới đạt xấp xỉ... 4%
Lấy ví dụ với ĐBSCL, nơi tập trung nhiều diện tích cách đồng lớn nhất cả nước thì cũng mới đạt 11% tổng diện tích canh tác lúa. Tính chung cả nước, báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy diện tích cánh đồng lớn mới đạt xấp xỉ 4%. Một số tỉnh miền núi như tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn... đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp (DN) nào đề xuất phương án hay dự án làm cánh đồng lớn. Ngoài tốc độ mở rộng chậm, tỷ lệ thành công của các hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cũng chỉ đạt mức 20 - 30% đối với lúa.
Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, nêu lý do dẫn đến tình trạng mở cánh đồng lớn ì ạch: “Chủ thể của dự án cánh đồng lớn là DN và hợp tác xã (HTX) đều không đủ lực. Vai trò của HTX nói chung còn rất yếu, không có tài sản chung để thế chấp làm dự án. Còn DN, thực tế không có ai chịu bao tiêu đầu ra sản phẩm dài hạn 5 - 7 năm nổi bởi thị trường luôn xuất hiện nhiều rủi ro mà họ phải chịu, không ai “đỡ” nổi”.
Thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn ở H.Thới Lai, TP.Cần Thơ. (Ảnh: Công Hân). |
Đồng quan điểm với ông Tranh, ông Hoàng Sỹ Bích, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, nhận định: Chính sách hỗ trợ có quá nhiều nội dung chưa cụ thể, chưa thật sự mạnh mẽ để thuyết phục DN tham gia xây dựng cánh đồng lớn. Quy định hỗ trợ một phần kinh phí trong thực hiện quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi... trong điều 4 của Quyết định 62 còn quá mơ hồ. “Một phần kinh phí, cụ thể là bao nhiêu phần trăm trong một công trình? Ngoài phần hỗ trợ của nhà nước, chính DN cũng chưa dám bỏ ra nguồn vốn lớn để đầu tư bởi đất đai, cơ sở hạ tầng không phải của họ”, ông Bích nói.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH Trung An - một DN đi đầu trong chương trình cánh đồng lớn tại Cần Thơ, chia sẻ nguồn vốn đầu tư, thanh toán cho nông dân khá lớn trong cùng một thời điểm. Vốn đầu tư hạ tầng để phục vụ cánh đồng lớn cũng rất lớn, trong khi khả năng thu hồi chậm, nhiều rủi ro. Rồi áp lực bị thua lỗ do cạnh tranh không lành mạnh từ đa số các DN không thực hiện cánh đồng lớn mang lại. “Nói chung thị trường tiêu thụ còn bấp bênh, chưa ổn định và tôi nói thẳng cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước đối với DN thực hiện cánh đồng lớn đến nay gần như chưa có gì. Trong khi trên thực tế, DN thực hiện cánh đồng lớn là đã phải hỗ trợ ngay cho nông dân mỗi ký lúa không dưới 300 đồng/vụ”, ông Bình bức xúc.
Chia sẻ với DN, ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, thông tin: “Đến nay tỉnh Đồng Nai đã được phê duyệt 4 dự án tham gia liên kết và tiêu thụ hàng hóa trong 4 lĩnh vực là trồng điều, ca cao, mía và cà phê. Tuy nhiên, nhiều DN đầu tư liên kết làm bài bản với nhà nông, đến mùa thu hoạch lại có DN khác chen ngang thu mua với giá chỉ cần cao hơn 1.000 đồng/kg là nhà nông lại sẵn sàng “bội ước” ngay”.
Phải quy định chi tiết hỗ trợ rõ ràng hơn
Đại diện Sở NN-PTNT Hà Nội cho rằng nên hỗ trợ trực tiếp ngoài hỗ trợ lãi suất. “Giống cây trồng, giống vật nuôi thậm chí cho không mới gọi là khuyến khích. Hà Nội đang hỗ trợ 100% giống cải tạo bò thịt trong kế hoạch chuẩn bị đón TPP. Nếu mấy chục con bò đực để cải tạo giống đó mà chỉ hỗ trợ nhà nông 30% thì không ai làm. Theo tôi, chính sách nên đưa ra khung hỗ trợ thế nào, còn lại để các địa phương chủ động phân chia chứ không nên áp đặt mức hỗ trợ cứng nhắc không hiệu quả”, vị này nói.
Đến thời điểm này kỳ vọng về 'cánh đồng mẫu' vẫn chưa thành hiện thực. |
Theo ông Phạm Thái Bình, nhà nước cần có những chính sách ưu đãi cụ thể và nhiều hơn nữa đối với DN thực hiện cánh đồng lớn. Cụ thể, ông nói: “DN mua máy cày, máy cấy, máy san ủi đồng ruộng, máy tưới tiêu, máy sấy lúa... để sản xuất canh tác và phục vụ trong cánh đồng lớn thì được vay vốn dài hạn với lãi suất 0% cho 2 năm đầu; 50% của lãi suất ưu đãi cho các năm tiếp theo. Hoặc vốn ngắn hạn để đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... đầu vụ và thanh toán tiền lúa cho nông dân khi thu hoạch được ưu đãi với lãi suất 3%/năm. Hay xây kho, lắp nhà máy sấy, nhà máy xay xát chế biến lúa gạo, nhà làm việc, nhà ở cán bộ nhân viên... phục vụ cho cánh đồng lớn được cho thuê đất 50 năm nhưng miễn tiền thuê đất 15 năm đầu”.
Phát biểu tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông khẳng định Bộ NN-PTNT và Bộ KH-ĐT sẽ phối hợp cùng đi đến từng địa phương, làm việc cụ thể từng ngành để bóc tách, tháo gỡ các vấn đề nêu ra. Tuy nhiên, ông Đông nhận định: “Những bức xúc của quý vị tôi vẫn thấy ở phần ngọn, chưa đi tới tận cùng của vấn đề. Cánh đồng lớn chỉ là vấn đề nhỏ trong vấn đề lớn của ngành. Vấn đề của chuỗi giá trị là con người, là nhận thức của chúng ta về chính sách vẫn còn mơ hồ lắm”./.