Cao su thời mất giá: Cắt giảm chi phí, đảm bảo thu nhập cho công nhân
VOV.VN - Tạo công ăn việc làm cho lao động người địa phương là một trong các mục tiêu chính của đề án phát triển cây cao su đại điền trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
7h sáng, khu nhà của đội cao su Pá Khôm, thuộc Nông trường Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) đã xuất hiện nhiều công nhân chở các bao mủ đông bằng xe máy từ các ngả đường đồi về tập kết tại sân. Từ những người nông dân vốn quen với phương thức làm việc tự do, nay trở thành công nhân và quen dần với cách làm việc khoa học, đúng giờ giấc.
Theo các công nhân ở đây cho biết, năm đầu tiên cán bộ nông trường giao cho thực hiện cao mủ D3 (3 ngày cạo một lần), do giá mủ trên thị trường thấp nên năm nay cán bộ chỉ đạo thực hiện cạo D4 (4 ngày cạo một lần) nên ngoài thời gian làm công nhân từ 5 - 9h sáng, về nhà, các công nhân vẫn làm được các phần việc ở nhà hoặc đi làm ruộng, làm nương.
Với hơn 5.000 ha cao su đưa vào thu hoạch năm 2019, các công ty cao su ở Lai Châu hiện đang có hơn 2.000 công nhân kỹ thuật cạo mủ. |
Anh Quàng Văn Thành, một công nhân thuộc Nông trường Pá Khôm, xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ cho biết, anh đã tham gia làm công nhân được 7 năm, từ giai đoạn kiến thiết vườn cây và nay được tiếp tục giao làm công nhân kỹ thuật cạo mủ. Do cạo mủ D4, nên năm nay sản lượng mủ cao hơn. Cùng diện tích ấy cạo năm trước D3, lương tháng của anh được khoảng 3,5 triệu đồng, thì năm nay cạo D4, lương tháng đã tăng lên khoảng 4,5 triệu đồng.
Ngoài nhận lương công nhân hàng tháng, vừa qua số diện tích hơn 8 ha đất góp thu hoạch năm 2018 đã cho gia đình anh Thành thu nhập hơn 12 triệu đồng ăn chia giá trị sản phẩm mủ.
“Gia đình tôi góp 8 ha đất cao su từ năm 2018, đầu năm thì được 4,5 triệu đồng, đến cuối năm thì được 8 triệu đồng. So với trước thì thu nhập cao hơn trồng nương sắn, trồng đót. Từ khi tôi tham gia làm công nhân cao su thì cuộc sống của gia đình cũng tương đối ổn định, con cái cũng được học hành đầy đủ. Mong muốn của tôi là muốn gắn bó lâu dài với công ty để cuộc sống ổn định hơn” - anh Quàng Văn Thành nói.
Xuôi về nơi hạ nguồn sông Nậm Na, thuộc xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) khu nhà ở tập thể công nhân Công ty Cổ phần cao su Lai Châu II nằm ven quốc lộ 12 hôm nay như nhộn nhịp hơn khi các công nhân nơi đây vừa lĩnh lương. Toàn bộ hơn 10 gia đình công nhân của đội cao su này đều là đồng bào dân tộc Mông đến từ xã vùng cao Tủa Sin Chải.
Do bản ở xa khu vực sản xuất, để tiện cho công việc các hộ công nhân này đã chuyển từ bản xuống đây ở gần một năm. Dù nơi ở mới chưa có nhiều đồ đạc, nhưng đời sống của các hộ gia đình công nhân trong khu tập thể này tương đối ổn định vì có nguồn thu nhập từ lương hàng tháng.
Do giá mủ trên thị trường thấp, nên các công ty cao su đang nỗ lực tiết giảm chi phí để đảm bảo thu nhập và đời sống cho công nhân. |
Anh Lý A Si, một công nhân đến từ xã Tủa Sin Chải, huyện Sìn Hồ cho biết, gia đình anh có 5 nhân khẩu và cả hai vợ chồng đều làm công nhân cạo mủ cho Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II. Ngoài khoản thu nhập lương ổn định gần 10 triệu đồng hàng tháng của hai vợ chồng, năm nay gia đình anh sẽ có thêm nguồn thu nhập từ ăn chia giá trị sản phẩm mủ, từ việc góp hơn 4 ha đất. Vui nhất là từ khi chuyển cả gia đình về đây, các con anh đã được học tại lớp học nông trường gần nhà.
“Gia đình tôi góp đất và được vào làm công nhân cao su thì kinh tế từng bước ổn định và mọi thứ trong gia đình có sự chuyển biến tích cực hơn. Những năm đầu thì mua được xe máy và làm được nhà, đời sống có phần ổn định hơn. Hiện nay đang ở mùa thu mủ thì lương hàng tháng đang đều, đang cố gắng số lượng mủ ở vườn cây tăng hơn thì hy vọng tiền lương sẽ được nhiều hơn” - anh Lý A Si tâm sự.
Hiện nay, Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II đang quản lý vườn cây trên 4.700 ha. Năm 2018, đơn vị này đã đưa vào khai thác hơn 600 ha và dự kiến năm nay sẽ đưa vào khai thác thêm khoảng 700 ha. Với năng xuất đạt hơn 8 tạ/ha, sản lượng mủ năm đầu của đơn vị đã đạt gần 500 tấn. Từ giá bán mủ theo quy định của tập đoàn là 28,5 triệu đồng/tấn, lượng mủ đã cạo cho đơn vị doanh thu hơn 13 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Phú, Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II cho biết, mặc dù giá mủ trên thị trường thấp, nhưng công ty đã xây dựng lộ trình lương bình quân cho công nhân kỹ thuật cạo mủ năm thứ nhất từ 3,6 - 5 triệu đồng. Giá sàn quy định năm nay của Tập đoàn giao cho công ty khoảng 30,5 triệu đồng/tấn, nhưng giá thực bán như thế nào còn phải phụ thuộc vào thị trường. Để đảm bảo lương cho công nhân, công ty đã có kế hoạch tiết giảm chi phí, bằng mọi giá đảm bảo thu nhập và đời sống cho người lao động.
“Trong giai đoạn hiện nay, giá mủ trên thị trường tụt giảm, theo chủ trương của Tập đoàn, công ty phải tiết giảm các chi phí không cần thiết trên vườn cây kinh doanh. Đặc biệt, công ty chú trọng không được tiết giảm chi phí nhân công, làm thế nào để mức lương bình quân của công nhân phải đạt. Hiện nay, ngoài thu nhập tiền lương trong khai thác mủ, lương bình quân của công nhân đã đạt từ 4 - 4,5 triệu đồng. Ngoài ra thì công ty cũng có các chế độ đãi ngộ như chi phí ăn ca, cấp phát bảo hộ lao động, đảm bảo để thực hiện khai thác mủ”.
Mặc dù số lượng công nhân người địa phương được tuyển dụng vào các công ty không nhiều so với số hộ tham gia góp đất, nhưng để đảm bảo bền vững, hướng tới mục tiêu lâu dài, các công ty đang nỗ lực để từng bước nâng cao đời sống cho công nhân, tạo niềm tin trong nhân dân. Tuy nhiên, với giá thành mủ trên thị trường như hiện nay, các công ty cũng chỉ đảm bảo thu lãi trên dưới 1 triệu đồng/tấn./.
Cao su Lai Châu thời mất giá: Người dân còn “ôm mộng” làm giàu?
10 năm trồng cao su ở Sơn La: Gỡ nút thắt cho dân bằng cách nào?