Chậm chạp bảo hộ địa lý “vàng trắng” ở đảo Lý Sơn
VOV.VN - Tình trạng đánh tráo, giả mạo thương hiệu ngay trên “vương quốc” tỏi đến nay vẫn chưa có hồi kết, ảnh hưởng uy tín và thương hiệu của tỏi Lý Sơn.
Sau hơn 10 năm kể từ khi được công nhận nhãn hiệu tập thể tỏi Lý Sơn, đến nay chuyện nâng cao chất lượng, bảo hộ, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho nông sản được mệnh danh là “vàng trắng” ở tỉnh Quảng Ngãi vẫn rất chậm chạp. Tình trạng đánh tráo, giả mạo thương hiệu ngay trên “vương quốc” tỏi đến nay vẫn chưa có hồi kết, ảnh hưởng uy tín và thương hiệu của tỏi Lý Sơn.
3 giờ sáng hàng ngày, chợ tỏi trên huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bắt đầu nhộn nhịp. Có đến hàng tấn tỏi được mua bán tại mỗi phiên chợ. Cả khu chợ ngập tràn “vàng trắng” - cách người ta ví von về tỏi Lý Sơn, nhưng khó có thể phân biệt được đâu là tỏi Lý Sơn chính hiệu.
“Tỏi mua ở Lý Sơn thì cứ cho là tỏi Lý Sơn, ai cũng tạm yên tâm như vậy. Đi du lịch ở đây nên tiện thể tôi mua về làm quà. Tôi thấy nhiều nơi cũng bán tỏi Lý Sơn nhưng không biết thật hay giả”.
“Người ở Lý Sơn cũng khó có thể phân biệt được đâu là tỏi Lý Sơn chứ đừng nói người khác. Rất khó nhận biết và phân biệt”
"Vàng trắng" Lý Sơn đang bị đánh tráo thương hiệu. |
Khách du lịch khi đến đảo Lý Sơn đã phải thốt lên như vậy khi nói về tỏi Lý Sơn. Đâu là tỏi Lý Sơn và đâu là tỏi giả mạo thương hiệu này? Câu hỏi này như đánh đố du khách, cả người trồng tỏi đến chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ngãi.
Đã có nhiều vụ vận chuyển tỏi từ đất liền ra đảo Lý Sơn bị các cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ từ vài trăm ký lên đến cả tấn tỏi. Tuy nhiên, đấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Hám lợi, nhiều người vẫn lén lút thuê phương tiện chở tỏi ra đảo vào ban đêm, thậm chí gửi tỏi qua đường bưu điện dưới dạng bưu phẩm hòng qua mắt các cơ quan chức năng.
Tỏi từ nơi khác sau khi “nhập tịch” đảo Lý Sơn trót lọt sẽ được trộn lẫn với tỏi bản địa dưới mác “Tỏi Lý Sơn”, sau đó len lỏi vào chợ, có mặt ở các cửa hàng, quầy sạp bán cho khách du lịch. Số khác thì được chở ngược vào đất liền tiêu thụ dưới mác “Tỏi Lý Sơn”. Tình trạng trà trộn tỏi từ nơi khác làm giảm uy tín, chất lượng, giá cả, ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng tỏi ở huyện đảo này.
Bà Nguyễn Thị Thu, một người kinh doanh ở xã An Vĩnh cho biết, những năm gần đây, lượng khách du lịch tăng cao, tỏi tiêu thụ mạnh, nhiều đối tượng nhập tỏi từ nơi khác về bán. Theo khuyến cáo của chính quyền huyện Lý Sơn, bà cùng một số hộ kinh doanh bày riêng 2 loại tỏi với mức giá khác nhau, để khách dễ phân biệt.
“Không thể để tỏi Khánh Hòa trà trộn tỏi Lý Sơn, làm mất thương hiệu của mình. Khách du lịch mất lòng tin. Tỏi Lý Sơn bán giá khác, tỏi Khánh Hòa bán giá khác, ai cũng làm như vậy mới góp phần giữ được thương hiệu tỏi Lý Sơn”, bà Thu khảng khái nói.
Mỗi năm, nông dân đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi chỉ canh tác được 1 vụ tỏi, với diện tích 330 ha, thu hoạch từ 2.000 tấn đến hơn 2.500 tấn tỏi/vụ. Đây là nguồn thu nhập chính của bà con trên đảo. Cây tỏi ở đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được nông dân trồng trên một loại đất đặc biệt pha trộn giữa đất đỏ của núi lửa và cát biển theo một tỷ lệ nhất định. Do điều kiện thổ nhưỡng và phương pháp canh tác riêng có nên Tỏi Lý Sơn có hương vị độc đáo.
Hơn chục năm về trước, một số người dân con em đảo Lý Sơn khi di cư vào Nam đã mang theo giống tỏi Lý Sơn vào trồng, nhiều nhất là tỉnh Khánh Hòa, Phan Rang, Ninh Thuận… Do điều kiện thổ nhưỡng thích hợp nên giống tỏi Lý Sơn trồng ở những vùng này sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao.
Ông Nguyễn Văn Nhật, một hộ trồng tỏi ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho hay, chỉ người dân đảo Lý Sơn mới phân biệt được. “Tỏi Lý Sơn ăn có vị thanh, ngọt ngọt, độ cay vừa, thơm… còn tỏi nơi khác có vị hăng hơn. Nếu ví dụ tỏi Lý Sơn 9 phần thì tỏi vùng khác chỉ được 8 phần, chênh lệch rất ít bởi đều lấy giống tỏi từ Lý Sơn và cũng được trồng trên cát trắng”.
Hiện nay, tỏi Khánh Hòa có giá thấp hơn tỏi Lý Sơn mấy chục nghìn đồng/kg. Loại tỏi 1 nhánh (tỏi cô đơn) giá chênh lệch cả trăm nghìn đồng. Nhiều người hám lời trộn lẫn với tỏi Lý Sơn để bán mà không nghĩ đến tác hại của việc làm này. Giữa tháng 2/2020, lực lượng chức năng huyện Lý Sơn đã phát hiện thu giữ gần 1 tấn tỏi củ khô, được chứa trong các bao tải và thùng carton vận chuyển trên tàu cao tốc ra đảo. Tuy nhiên, mọi chuyện chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở chứ không thể xử phạt.
Ông Nguyễn Văn Định, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh và Chế biến hành, tỏi Lý Sơn bức xúc rằng, cần sớm xây dựng chỉ dẫn địa lý, logo, nhãn mác, tem chống giả… cho Tỏi Lý Sơn nếu không muốn mất thương hiệu.
“Nên tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được giá trị của thương hiệu. Buôn bán phải để riêng, phân biệt được bên nào là tỏi Ninh Hiển, Ninh Thuận, bên nào là tỏi Lý Sơn. Giá cả cũng phải khác nhau”, ông Định chỉ rõ.
Năm 2019, UBND huyện Lý Sơn đã lập đường dây nóng để bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn. Các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra nhắc nhở các hộ kinh doanh tỏi không trộn các loại tỏi khác, ghi đúng nguồn gốc xuất xứ; các đơn vị vận chuyển và hộ kinh doanh ký cam kết không vận chuyển tỏi từ đất liền ra đảo.
Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu địa phương sớm xây dựng nhãn hiệu, logo, tem chống giả… cho tỏi Lý Sơn, thay vì để các hộ kinh doanh làm tự phát như hiện nay.
“Huyện đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng chỉ dẫn địa lý Tỏi Lý Sơn. Hiện nay, các thủ tục kiểm định chất lượng… đã thực hiện xong. Đang hoàn tất thủ tục sẽ công bố chỉ dẫn địa lý Tỏi Lý Sơn”, ông Ninh khẳng định.
Để nâng cao giá trị thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, UBND huyện Lý Sơn khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư trồng tỏi theo phương pháp hữu cơ.
Mỗi năm, nông dân đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi chỉ trồng 1 vụ tỏi, với sản lượng từ 2.000- 2.500 tấn. |
Ông Nguyễn Anh Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Lý Sơn cho biết, hiện Hợp tác xã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, nhằm minh bạch thông tin và nâng cao giá trị sản phẩm tỏi Lý Sơn với 3 dòng sản phẩm hành, tỏi thượng hạng, cao cấp và thông thường tùy theo phương pháp canh tác hữu cơ, VietGap hay truyền thống.
Ông Đỗ Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho Tỏi Lý Sơn nhằm bảo vệ thương hiệu, nâng cao giá trị và đảm bảo thu nhập cho người trồng tỏi. Tỉnh Quảng Ngãi khuyến nghị các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, quy cách đóng gói, bao bì, nhãn mác… đảm bảo yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
“Việc xây dựng thương hiệu phụ thuộc vào quá trình sản xuất các mặt hàng nông sản. Đặc biệt như tỏi, hành đã được thương hiệu hóa, mang lại hiệu quả cho bà con nông dân... liên quan mật thiết đến quy trình xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong nước”, ông Đạt chỉ rõ./.