Chăn nuôi tăng cường liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị
VOV.VN - Để phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới, cần thúc đẩy sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, đẩy mạnh liên kết chuỗi, tăng cường quản lý dịch bệnh và an toàn sinh học. Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị “Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng nay (27/7) tại Hà Nội.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng: Chăn nuôi lợn là một trong những phương thức sản xuất chính của nông dân, đặc biệt là tại khu vực nông hộ nhỏ lẻ. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi lợn thời gian qua luôn gặp thách thức, khó khăn như: giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chất lượng con giống phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, dịch bệnh cùng nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác…
Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới, các đại biểu đề nghị cần có giải pháp cụ thể, bền vững, có tính khả thi cao. Theo đó, cần thúc đẩy sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, đẩy mạnh liên kết chuỗi, tăng cường quản lý dịch bệnh, an toàn sinh học.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, chia sẻ, nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ muốn đứng vững phải liên kết với nhau trở thành thành viên của các tổ nhóm, hợp tác xã, hoặc liên kết với doanh nghiệp.
“Chăn nuôi gia công hiện nay hầu hết là người chăn nuôi nhỏ lẻ hoặc những người ngoài ngành tìm đến liên kết với các doanh nghiệp, việc liên kết này là xu hướng chăn nuôi tất yếu và các nước có nền chăn nuôi phát triển đã thực hiện điều này từ lâu và Việt Nam chắc chắn cũng không ngoài xu hướng đó. Bởi, theo chuỗi thì giá thành chăn nuôi mới giảm không được giá thành nâng cao được sức cạnh tranh đồng thời kiểm soát an toàn thực phẩm an toàn sinh học dịch bệnh cũng sẽ tốt hơn” - ông Vũ Anh Tuấn nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, chăn nuôi mặc dù đã có chuyển biến tích cực trong bối cảnh khó khăn, tuy nhiên, để thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, toàn ngành chăn nuôi phải có giải pháp căn cơ. Trong những tháng cuối năm, phải cân đối được cung cầu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân, ổn định giá để đảm bảo chỉ số tiêu dùng trong nước đồng thời cũng góp phần vào tăng trưởng chung của ngành.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: “Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ trong hội nhập và ngành chăn nuôi cũng không nằm ngoài xu hướng này. Bộ đã và đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các Tập đoàn và các địa phương đặc biệt là các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên để xây dựng vùng nguyên liệu.
Muốn xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi thì phải có vùng an toàn dịch bệnh, phải đảm bảo được các tiêu chí và tổ chức thực hiện thì đảm bảo phải thông suốt từ Trung ương đến các địa phương, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò là trung tâm và phải đi tiên phong để huy động và liên kết với các trang trại hoặc hộ chăn nuôi. Trong hệ sinh thái ngoài việc doanh nghiệp tham gia thúc đẩy phát triển ngành song song đó xây dựng vùng an toàn dịch bệnh có ý nghĩa hết sức quan trọng”.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu cũng đề xuất sớm sửa đổi Luật Đất đai, để xây dựng các khu chăn nuôi quy mô lớn; triển khai diện rộng tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn Châu Phi tạo điều kiện cho hộ chăn nuôi tái đàn.