Chặt bỏ thanh long ở Bà Rịa-Vũng Tàu chưa có dấu hiệu dừng
VOV.VN - Nếu không có sự can thiệp, hỗ trợ của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương kịp thời, việc nông dân chặt bỏ vườn thanh long sẽ vẫn còn tiếp diễn.
Do giá thấp, thua lỗ nặng nên nhiều ngày qua, nhiều diện tích thanh long ở Bà Rịa – Vũng Tàu không được đầu tư, chăm sóc khiến các loại sâu bệnh tấn công mạnh. Nhiều hộ đã phá bỏ hàng loạt diện tích thanh long để chuyển đổi sang loại cây trồng khác.
Gắn bó với nghề trồng thanh long ruột đỏ hơn 5 năm và đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng cho 3.500 trụ thanh long (tương đương 3 ha), những ngày qua, ông Nguyễn Bá Phước, ở ấp 2, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc đành phải thuê máy xúc để phá bỏ vườn thanh long.
Theo ông Phước, 2 năm trở lại đây, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá thanh long giảm sâu - chỉ 2.000 đồng/kg, cao nhất cũng chỉ 8.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất, nhiều lứa thanh long không tiêu thụ được khiến ông liên tục thua lỗ.
Chỉ tính từ đầu năm đến nay, ông Phước đã lỗ gần 300 triệu đồng. Ngoài ra, chi phí các loại vật tư nông nghiệp, công lao động… cũng tăng cao nên ông Phước cũng như nhiều hộ trồng thanh long khác không thể "gồng" nổi, phải chấp nhận phá bỏ vườn.
“Trước mắt gia đình chuyển qua trồng tràm. Thời gian qua do trồng thanh long với diện tích nhiều, nhưng giá cả quá thấp nên gia đình vẫn phải bù tiền nhà vào, có lúc bù 2-3 trăm triệu đồng. Giờ nếu duy trì trồng thanh long tính thêm tăng giá phân bón, công lao động tăng theo giá xăng chi phí sẽ còn cao hơn và gia đình sẽ cầm chắc thua lỗ nên phải chặt bỏ”, ông Phước bộc bạch.
Tình trạng nông dân phá bỏ vườn thanh long để chuyển hướng sang các loại cây trồng khác cũng xảy ra tại xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc. Ông Nguyễn Huy Hoàng, ở ấp Trang Định vừa phá bỏ 4 sào thanh long ruột đỏ do thua lỗ.
Theo tính toán của ông Hoàng, với giá vật tư nông nghiệp tăng như hiện nay, thanh long ruột đỏ phải từ 20.000 đồng/kg mới hòa vốn. Trong khi đó, giá thanh long 2 năm trở lại đây chỉ dao động từ 7.000 – 8.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm chỉ còn 2.000 đồng/kg khiến ông khó có thể duy trì vườn thanh long. “Nguyên nhân quan trọng hơn nữa chính là vấn đề sâu bệnh, cùng với đó là quá trình tiêu thụ không ổn định nên mình phá bỏ vườn thanh long để trồng nhãn”, ông Hoàng cho biết.
Trước thực trạng này, nếu không có sự can thiệp của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương kịp thời hỗ trợ tiêu thụ, việc nông dân chặt bỏ vườn thanh long tại huyện Xuyên Mộc sẽ vẫn còn tiếp diễn./.