Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về một số dự án ngàn tỷ đắp chiếu
VOV.VN - Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các vấn đề như dự án ngàn tỷ đắp chiếu, nợ công vượt trần, kinh doanh đa cấp...
Hàng loạt vấn đề nóng của ngành Công Thương
Nhóm vấn đề "Đánh giá tổng thể, phương án xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả, các dự án đã có quyết định đầu tư nhưng không triển khai, để hoang hóa, lãng phí; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan” được “bỏ phiếu” để đưa ra chất vấn cao nhất trong 16 nhóm vấn đề xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Điều này cho thấy, đây là vấn đề “nóng” nhất tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.
Xót xa những dự án ngàn tỷ 'đắp chiếu' (Ảnh: Báo Pháp luật TP HCM) |
Việc Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày mai (15/11) chứng tỏ các vấn đề được các đại biểu quan tâm hàng đầu nằm rất nhiều ở ngành Công Thương.
Bộ Công Thương đang ở tâm điểm của dư luận về nhiều vấn đề như xử lý thế nào với hàng loạt những vấn đề mà Bộ trưởng tiền nhiệm Vũ Huy Hoàng để lại: Hàng loạt "đại dự án" thua lỗ, đắp chiếu (dự án Nhà máy đạm Ninh Bình, dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, các dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol...); hàng loạt công ty bán hàng đa cấp có dấu hiệu lừa đảo, làm khánh kiệt tài sản hàng vạn người tham gia mạng lưới; những công trình thuỷ điện được nghi vấn xả lũ không đúng quy định...
Trong các phiên thảo luận vừa qua tại hội trường về kinh tế xã hội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã phần nào giải đáp trôi chảy một số các vấn đề “nóng” mà các đại biểu nêu ra như các siêu dự án, công trình thua lỗ, chuyện kiểm soát kinh doanh đa cấp, chuyện bổ nhiệm cán bộ...
Tại phiên chất vấn tới đây, người đứng đầu của Bộ Công Thương sẽ giải đáp các thắc mắc về việc củng cố hệ thống bán lẻ hàng hóa thích ứng với hội nhập quốc tế, quản lý thị trường, chính sách phát triển ngành ô tô, quy hoạch các công trình thủy điện, thủy lợi, xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm trong các dự án để xảy ra sự cố môi trường...
Cùng tham gia trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Công Thương còn có các Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công an, Quốc phòng...
Nghị trường “mổ xẻ” 5 dự án nghìn tỷ ‘đắp chiếu’
Kỳ vọng của đại biểu
Đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) cho biết, ông sẽ xoáy sâu vào các dự án ngàn tỷ đắp chiếu vì đây cũng là vấn đề được hơn 90% đại biểu Quốc hội lựa chọn.
Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Mão (đoàn Nghệ An) cho hay, ông quan tâm đến vấn đề nợ công, chính sách thuế, trong đó có việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Theo ông Mão, giải pháp ổn định nợ công cần phải có vai trò đầu tàu là các thành viên chính phủ, tiếp đến là lãnh đạo các bộ ngành…
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) chia sẻ: “Qua nghiên cứu 65 dự án do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư mà Chính phủ đã chuyển cho đại biểu Quốc hội, tôi vô cùng lo lắng. Riêng 4 dự án gồm Sợi Đình Vũ, Nhiên liệu sinh học Dung Quất, Bột giấy Phương Nam, Đạm Ninh Bình đã lỗ 7.300 tỷ đồng. Tôi đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo xử lý sớm, nếu không, nợ sẽ chồng lên nợ. Đồng thời, phải xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức để xảy ra tình trạng này và báo cáo cho Quốc hội biết”.
Quan tâm về vấn đề đầu tư công, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) nêu thực trạng: Quyết định đầu tư mà không tính toán đến khả năng vốn, chất lượng chuẩn bị dự án còn thấp, phê duyệt hình thức, dẫn đến phải bổ sung, điều chỉnh nhiều lần…
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương |
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) cho rằng, tình trạng thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả của các dự án đầu tư không chỉ dừng lại 5 dự án, mà còn nhiều dự án khác. Đại biểu này đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương tổ chức tổng kết, đánh giá mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước trong giai đoạn 2005 - 2015. Đây là cơ hội để đánh giá một cách toàn diện về những vấn đề đó, đồng thời có giải pháp xử lý hiệu quả, rút kinh nghiệm cho việc tái cơ cấu trong thời gian tới./.