Chỉ 24% cá ngừ được chọn xuất khẩu sang Nhật Bản?
VOV.VN -Tình trạng này diễn ra tại Bình Định, khi sau 19 ngày hoạt động trên biển, bà con đánh bắt được 37 con cá ngừ đại dương, nhưng chỉ có 9 con được lựa chọn xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản.
Đầu tháng 8 vừa qua, 4 tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định được chọn thực hiện thí điểm mô hình đánh bắt cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản. Sau 19 ngày hoạt động trên biển, bà con đánh bắt được 37 con cá ngừ đại dương, nhưng chỉ có 9 con được lựa chọn xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản.
Qua phiên đấu giá đầu tiên ở sàn giao dịch cá ngừ Osaka, có những con cá ngừ giá rất cao, nhưng cũng có con giá lại quá thấp. Rõ ràng, chất lượng cá không đồng đều, vẫn còn nhiều việc phải làm để hoàn thiện hơn nữa quy trình khai thác cá ngừ.
Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định về vấn đề này.
PV: Thưa ông, sau chuyến đánh bắt cá ngừ đại dương đầu tiên theo công nghệ Nhật Bản, tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục triển khai mô hình này như thế nào trong thời gian tới?
Ông Lê Hữu Lộc: Thời gian qua, đoàn công tác của phía Nhật Bản đã hướng dẫn ngư dân của Bình Định đánh bắt cá ngừ đại dương theo công nghệ và thiết bị mới. Nhìn chung với kết quả đã đạt được bước đầu như vậy có thể tiến hành nhân rộng mô hình này trong toàn tỉnh.
Hơn nữa, đây là chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên cho nên phía Nhật Bản chỉ nhận loại cá ngừ từ 40kg trở lên, còn loại dưới 40 kg mặc dù chất lượng tốt nhưng họ cũng không nhận. Cũng qua lần thử nghiệm này, Nhật Bản đã góp ý cho các ngư dân về vấn đề câu, đưa cá lên tàu bảo quản cũng như những thao tác quan trọng khác.
PV: Phía Nhật Bản cho biết, mặc dù chất lượng cá tốt nhưng ngư dân vẫn còn nhiều sai sót trong các khâu đánh bắt, bảo quản. Vậy thời gian tới, tỉnh Bình Định sẽ chú trọng công tác nào nhất để nâng cao kỹ năng này như thế nào?
Ông Lê Hữu Lộc: Sắp tới Bình Định sẽ tiếp tục thực hiện các yêu cầu từ phía Nhật Bản, trong đó có việc sẽ cử thêm 2 cán bộ kỹ thuật để có thể lựa chọn những con cá ngừ có chất lượng tốt. Tiếp đó là sẽ cử 2 thuyền trưởng qua bên Nhật Bản để tập huấn lại những thao tác trong quá trình câu và bảo quản cá ngừ đại dương.
PV: Bên cạnh việc nâng cao trình độ, kỹ thuật đánh bắt, tỉnh Bình Định sẽ hỗ trợ ngư dân như thế nào trong việc nâng cao năng lực đội tàu, nhất là các tàu dịch vụ hậu cần trên biển phục vụ nghề câu cá ngừ đại dương?
Ông Lê Hữu Lộc: Về kế hoạch đóng tàu, Bình Định đã liên hệ với các công ty đóng tàu, đồng thời hướng dẫn cho ngư dân trong việc vay vốn của ngân hàng. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, đối với quy trình khai thác cá ngừ đại dương, nên đóng tàu composit có công suất vừa phải để phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương.
Bình Định cũng sẽ hướng dẫn cho một số doanh nghiệp thu mua để có thể vay vốn ngân hàng đóng mới các tàu dịch vụ làm nhiệm vụ là dịch vụ hậu cần cho các tàu đang đánh bắt ngoài khơi để thu mua cá đưa vào bờ, giảm thời gian bảo quản, nâng cao chất lượng cá ngừ.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.