Chỉ định thầu dự án đầu tư BT: Nhà thầu kiêm nhà đầu tư hưởng lợi kép?
VOV.VN - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, chỉ định thầu dự án đầu tư BT có thể tạo điều kiện cho nhà thầu kiêm nhà đầu tư được hưởng lợi hai lần.
TP HCM là đô thị có tốc độ phát triển nhanh, nhu cầu xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị trở nên ngày một bức thiết. Trong khi ngân sách của thành phố có hạn, việc huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) là phương án hiệu quả để thu hút vốn đầu tư.
Tuy nhiên, đầu tư theo hình thức BT như hiện nay được đánh giá là tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực, thiếu minh bạch và cạnh tranh không lành mạnh. Vậy TP HCM sẽ thực hiện như thế nào để tránh rủi ro và hài hòa lợi ích giữa các bên?
Cầu Sài Gòn 2 được thực hiện theo hình thức BT có tổng kinh phí xây dựng gần 1.500 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2015 - 2017, thành phố đã huy động được trên 20.000 tỷ đồng từ khu vực kinh tế tư nhân để đầu tư phát triển hạ tầng. Với nhu cầu đầu tư phát triển của TP HCM, từ nay đến năm 2020 thành phố cần khoảng 850.000 tỷ đồng trong khi ngân sách chỉ có thể đáp ứng được 20%. Trong số 88 dự án đang thực hiện thủ tục với tổng mức đầu tư dự kiến gần 194.000 tỷ đồng, có 31 dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, 20 dự án thuộc lĩnh vực chỉnh trang, phát triển đô thị, 15 dự án lĩnh vực môi trường, cấp thoát nước…
Nhận định về các dự án thực hiện theo hình thức BT trên địa bàn thành phố, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng: "Bên cạnh những mặt tích cực của việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển hạ tầng đô thị trong điều kiện ngân sách có hạn, thì việc thực hiện dự án theo hình thức xây dựng, chuyển giao gọi là BT có nguy cơ thiếu công khai, minh bạch và làm giảm sự cạnh tranh lành mạnh.
Vì nhiều nhà đầu tư thường chỉ sở hữu khoảng 10% vốn, còn lại khoảng 90% vốn xây lắp là vay ngân hàng nên tiềm ẩn rủi ro, ảnh hưởng đến tiến độ công trình, dễ phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm. Việc thực hiện phương thức chỉ định thầu có thể tạo điều kiện cho nhà thầu kiêm nhà đầu tư được hưởng lợi hai lần"
Theo ông Châu: "Thứ nhất, khi nhận thầu thi công công trình, dự toán công trình thường do nhà thầu đề xuất. Thứ hai, các khu đất đối ứng ở các địa điểm đắc địa và được tăng cường hệ thống hạ tầng giao thông cũng do nhà thầu kiêm nhà đầu tư đề xuất dùng để thanh toán bù trừ”.
130 nhà đầu tư đang đề xuất tham gia đầu tư dự án BT tại TPHCM
Bà Trâm cho biết: "Nhà đầu tư có nhiệm vụ ứng tiền ra, theo dõi và đôn đốc lập dự án. Thiết kế kỹ thuật là do tư vấn lập và nhà nước phê duyệt. Giám sát quá trình thi công thì có giám sát của chủ đầu tư thuê và thêm giám sát của nhà nước chỉ định. Như vậy, khái niệm nhà đầu tư PPP muốn làm gì thì làm là không đúng”.
Cũng theo bà Trâm, Luật Đấu thầu hiện nay quy định rất chi tiết nhưng chỉ áp dụng tốt cho công tác đấu thầu thi công và rất khó áp dụng cho các dự án thực hiện theo hình thức BT. Lý do là thời gian lập các dự án này thường kéo dài hơn 2 năm, trong khi hợp đồng BT có ràng buộc không tính trượt giá theo tổng mức đầu tư được duyệt. Hơn nữa hiện nay hình thức phổ biến khi thực hiện các dự án theo hình thức BT là “đổi đất lấy hạ tầng” thì hạn chế lớn nhất là khâu giải phóng mặt bằng rất chậm, có khi lên tới gần chục năm.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị về công tác quản lý dự án BT diễn ra ngày 7/11, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu các Sở ngành của thành phố tính toán, xây dựng khung pháp lý đầy đủ và minh bạch nhằm loại bỏ tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong các hợp đồng BT.
Ông Phong chỉ rõ: "Sở Kế hoạch Đầu tư hoàn chỉnh quy định về quản lý đầu tư hình thức BT theo hướng tăng cường công khai, minh bạch, xác định rõ trách nhiệm nhà nước của các cấp trong triển khai dự án. Sở Tài nguyên Môi trường xây dựng danh mục quỹ đất, công bố công khai làm cơ sở thanh toán cho hợp đồng BT, đưa đấu giá đấu thầu làm phương thức chính cho việc phân bố đất công trên địa bàn thành phố”.
Như vậy, để quản lý hiệu quả trong việc đầu tư thực hiện dự án theo hình thức BT, đảm bảo môi trường đầu tư lành mạnh, đồng thời hài hoà lợi ích của người dân – doanh nghiệp – nhà nước, TP HCM phải nhận dạng và phân bổ rủi ro phù hợp, bao gồm việc lựa chọn các đối tác, chủ đầu tư uy tín, có năng lực thực hiện và khả năng tài chính vững vàng.
Đồng thời xây dựng khung pháp lý minh bạch, tránh lợi ích nhóm. Có phân cấp, quy trách nhiệm rõ ràng, cụ thể với các cơ quan nhà nước để xử lý. Nếu thực hiện tốt thì đây là hình thức huy động vốn xã hội hoá hiệu quả để thực hiện các chương trình đột phá của thành phố, góp phần giải quyết nhiều vấn đề bức thiết về hạ tầng đô thị./.
TPHCM ngừng các dự án BT đang đàm phán