Chi phí cho một số điện năng lượng mặt trời chỉ bằng 1/2 điện lưới
VOV.VN - Những hộ dân ở xã Cư Pui, huyện Krông Pông, tỉnh Đắk Lắk và một số xã của tỉnh An Giang được hưởng lợi từ việc sử dụng điện năng lượng mặt trời.
Đây là mô hình mẫu có thể tham khảo trong quá trình chúng ta đẩy mạnh sử dụng năng lượng sạch.
Tự chủ làm từ từ
Anh Lò Tiến Dũng ở thôn Erơt, xã Cư Pui, huyện Krông Pông, tỉnh Đắk Lắk, hồ hởi khoe, điện đã về với bản làng, đời sống của người dân được nâng cao. Năm 2016, đội 3, thôn Erơt được sự tài trợ của GreenID đã triển khai lắp đặt hệ thống cấp điện mặt trời mini không nối lưới quy mô tập trung với công suất 6,24Kwp và hệ thống nước lọc tinh khiết cung cấp cho 23 hộ dân và một nhà thờ tại khu vực này.
Bắt đầu năng lượng sạch từ mô hình nhỏ là hướng đi tích cực cho Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT). |
Hệ thống này do cộng đồng tại đây quản lý và làm chủ. Dân cư trong tổ 3, thôn Erot cử anh Lò Tiến Dũng là người quản lý hệ thống, và thành lập một nhóm hỗ trợ kỹ thuật phòng khi hệ thống xảy ra sự cố.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết, đây là thôn biệt lập không có điện lưới, trước đây người dân phải dùng đèn dầu thắp sáng. Từ khi có điện, người dân rất vui mừng, họ sắm thêm các thiết bị phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt là ti vi, sau đó là quạt điện và nồi cơm điện. Đặc biệt là những đứa trẻ trong đội có ánh sáng học bài, được xem ti vi tiếp cận thông tin.
Niềm vui ấy cũng được thắp sáng tại xã Tân Hiệp, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Nơi đây có điện lưới đến nhưng bà con không đủ điều kiện hạ thế do địa bàn ở cách xa đường điện lưới. Tại đây được áp dụng qui mô năng lượng mặt trời cho từng hộ gia đình.
Theo ông Trần Văn Hùng, Phó bí thưấp Tân Lợi, xã Tân Hiệp, huyện Tịnh Biên, thì chi phí ban đầu là 4 triệu đồng/hộ. Ông rất hài lòng vì theo ông, chi phí cho một số điện năng lượng mặt trời chỉ bằng 1/2 điện lưới.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã An Hảo cho biết, người dân hào hứng vì nhu cầu phù hợp từng hộ nhỏ.
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID, người dân tự chủ làm cho gia đình mình không đòi hỏi nhà nước đầu tư. Cái hay của giải pháp này là làm từ từ. Đầu tiên, mua một pin với công suất 200wp, lần sau có tiền mua thêm tấm khác. Bà Khanh cũng chia sẻ thêm, người dân được đào tạo về kỹ thuật để có thể tự lắp đặt thiết bị.
Cần sự hỗ trợ của cộng đồng
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo sẵn có. Những nguồn năng lượng tái tạo có thể khai thác và sử dụng trong thực tế đã được nhận diện đến nay gồm: Thủy điện nhỏ, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng khí sinh học, nhiên liệu sinh học, năng lượng từ nguồn rác thải sinh hoạt, năng lượng mặt trời, và năng lượng địa nhiệt. Đặc biệt, nguồn phế thải từ chế biến gỗ, chế biến nông sản, chăn nuôi… lên tới 150 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải, chuyên gia GreenID, dù Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo nhưng thực tế chưa tận dụng hết cơ hội này. Vì thế, ông Khải cho rằng, cộng đồng là nhân tố quyết định thay thế năng lượng truyền thống bằng năng lượng sạch.
Ông Antoin Vander Elts, tùy viên, phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng: “Việt Nam có rất nhiều khu vực phù hợp cho năng lượng tái tạo và rất nhiều các dự án đầu tư cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải quan tâm tới lưới điện truyền tải, bởi nếu chúng ta không có lưới điện đủ khả năng để tiếp nhận những nguồn năng lượng tái tạo mới này thì chúng ta khó có thể thực hiện các dự án đó”.
Theo bà Khanh, cần thúc đẩy để gỡ bỏ trở ngại cho phát triển năng lượng tái tạo. Năng lượng tái tạo là nhu cầu của rất nhiều cộng đồng ở Việt Nam và cộng đồng đã đi tiên phong rồi cần sự hỗ trợ tiếp của chính sách để được hưởng lợi thế tiềm năng và những cơ hội tiềm năng phát triển kinh tế có lợi môi trường và đất nước./. Tiết kiệm năng lượng tự nguyện khó đạt hiệu quả
Năng lượng tái tạo có thể thay thế hàng chục nhà máy điện than