Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tiếp tục giảm 0,76%

Giảm mạnh nhất là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức giảm kỷ lục 4,86%.

Ngày 25/11, Tổng cục Thống kê cho biết: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước trong tháng 11 đã tiếp tục giảm 0,76% so với tháng 10, đưa chỉ số CPI 11 tháng qua tăng ở mức 20,71 % so với tháng 12 năm 2007 và tăng 23,25 % so với cùng kỳ năm 2007.

Mặc dù thiên tai hoành hành tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc đã làm giá lương thực, thực phẩm thiết yếu, đặc biệt là rau xanh tăng gấp 2 đến 3 lần nhưng tính chung trên cả nước, 3 nhóm hàng hóa chiếm trọng số lớn nhất trong rổ hàng hóa chung tiếp tục tháng thứ 2 giảm liên tiếp. Theo đó, giảm mạnh nhất là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức giảm kỷ lục 4,86%. Tiếp đó là nhóm phương tiện đi lại và bưu điện giảm 4,4,%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (bao gồm lương thực, thực phẩm) giảm 0,07%, trong đó lương thực giảm tới 3,1%.

7 nhóm hàng hoá còn lại trong rổ hàng hoá tuy có tăng nhưng cũng chỉ dao động với mức tăng nhẹ từ 0,12-0,9%. Tăng cao nhất là nhóm đồ uống và thuốc lá. Tăng thấp nhất là nhóm giáo dục.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 11, CPI của đầu tầu kinh tế của cả nước là thành phố Hồ Chí Minh (chiếm trọng số 20% trong CPI chung của 63 tỉnh, thành phố) tiếp tục giảm 0,69%, góp phần kéo lùi tốc độ tăng giá tiêu dùng chung của cả nước.

Đáng chú ý, kể từ 16/10 đến 15/11 (thời điểm cập nhật số liệu cho CPI tháng 11), với 5 lần giảm liên tiếp, giá xăng dầu trong nước đã giảm trên 12%, buộc giá cước vận tải hành khách và hàng hoá phải giảm theo. Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là thép xây dựng tiếp tục giảm còn một nửa so với thời kỳ đỉnh điểm tháng 7/2008.

Trong khi đó, tuy giá gạo đã giảm khá mạnh trong thời gian qua nhưng sức ép giảm giá trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục gia tăng. Trên thị trường giao dịch Châu Á, mặc dù giá chào bán vẫn duy trì ở mức gần 500 USD/tấn gạo 5% tấm của Việt Nam nhưng giá giao dịch thực tế hiện chỉ còn 450 USD/tấn , giảm chỉ còn 1 nửa so với thời kỳ đỉnh điểm các tháng 5, 6 và 7/2008. Vì vậy, lượng gạo tồn kho trong nước nhiều, lãi suất vay vốn ngân hàng vẫn cao càng gây sức ép giảm giá đối với giá gạo ở trong nước. Hiện nay, giá thu mua gạo 5% tấm tại Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm còn 5.500đ/kg, giá thóc giảm còn 4.000đồng/kg.

Tháng 11, giá vàng trong nước đã giảm theo giá thế giới với mức giảm 5,8%, đưa giá vàng 11 tháng qua tăng 34,49% so với cùng kỳ 2007.
Trong khi đó, với việc Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối ấn định tỷ giá mua bán giao ngay giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) trong biên độ ±3% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ ngày 7/11, khiến giá USD trên thị trường tăng mạnh với mức tăng 2,1% , đưa USD 11 tháng qua tăng 2% so với cùng kỳ 2007.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại và Giá cả (Tổng cục Thống kê) dự báo: với quy luật thị trường của những tháng Tết, CPI tháng 12 sẽ có thể tăng nhẹ với mức 0,1%. Với mức dao động này, CPI năm 2008 sẽ tăng khoảng 22% so với năm 2007.

Ông Thắng cũng cho biết: Mức tăng CPI 22% của năm 2008 như dự đoán là mức cao. Điều này cho thấy đối với nền kinh tế nước ta, lạm phát vẫn tiếp tục cần được kiểm soát, song với 2 tháng liên tiếp CPI cả nước giảm rõ rệt cho thấy đã có những tín hiệu đầu tiên về tình trạng thiểu phát trong năm 2009. Điều này cũng hoàn toàn đúng bởi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đang tác động vào nền kinh tế nước ta, theo nhiều kênh, nhiều tuyến khác nhau, có thể gây ra sự đảo chiều nhanh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên