VOV.VN -Đây là thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp 10 tháng qua, được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI công bố trước Quốc hội.
Nhìn lại bức tranh của cộng đồng doanh nghiệp trong nước trong 10 tháng đầu năm nay, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, có trên 60.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký tăng lên. Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động cũng tăng vốn để mở rộng quy mô. 13.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động nay đã trở lại thương trường, tăng so với cùng kỳ năm trước. Quy mô và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp đã có tín hiệu cải thiện, tỷ lệ doanh nghiệp làm ăn có lãi tăng lên.

10 tháng qua, chỉ có trên 30% doanh nghiệp kinh doanh có lãi (Ảnh minh họa: KT)
Tuy nhiên, cũng theo ông Lộc, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn. 10 tháng đầu năm đã có thêm gần 54.000 doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động hoặc giải thể trong số 485.000 doanh nghiệp đang hoạt động, các cỗ máy tăng trưởng chính của nền kinh tế nước ta chỉ có trên 30% doanh nghiệp kinh doanh có lãi.
Với thực trạng trên, ông Lộc cho rằng, nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, thực sự là một thách thức to lớn đối với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Cho nên, quan điểm của ông Lộc là, các doanh nghiệp không có cách nào khác là phải định vị lại mình, tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, tăng cường quản trị công nghệ, phải làm ăn bài bản, tránh "ăn xổi ở thì".
Để có được những nỗ lực kinh doanh đúng hướng, theo ông Lộc, doanh nghiệp cần có sự mở đường và hậu thuẫn của nhà nước. Sự mở đường và hậu thuẫn lớn nhất là tạo lập được được môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thuận lợi, an toàn và một nền hành chính tận tâm, chuyên nghiệp. Đồng thời, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, cũng cần có những giải pháp trợ giúp đủ liều, lượng, để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể vượt qua được khó khăn, trụ vững và phát triển.
Chủ tịch VCCI đặc biệt nhấm mạnh đến thủ tục hành chính “vẫn là câu chuyện đau đầu, nhức óc của cả Chính phủ và doanh nghiệp khi bàn về môi trường kinh doanh. Doanh nghiệp kêu thủ tục phiền hà, các Bộ, ngành thì bảo do yêu cầu quản lý.
Ngay trong kỳ họp này, ông Lộc nghị Quốc hội giao nhiệm vụ cho Chính phủ 6 tháng một lần tiến hành tổng rà xét các luật chuyên ngành và các quy định pháp lý khác có liên quan đến các doanh nghiệp đảm bảo trung thành với Hiến pháp, đồng bộ với các Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp (sửa đổi), tối thiểu phải bắt kịp chuẩn mực tiên tiến của các nước ASEAN, để đến kỳ họp tiếp theo có thể trình Quốc hội một luật sửa nhiều luật, để kịp thời tháo gỡ những khó khắn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.../.