Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh ĐBSCL cần 120.000 tỷ đồng
VOV.VN - Nguồn lực để đảm bảo nhu cầu đầu tư công cho tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025 toàn vùng ĐBSCL cần đến 120.000 tỷ đồng.
Biến đổi khí hậu, sự gia tăng phát thải khí nhà kính là vấn đề lớn đang đặt ra cho sự phát triển bền vững đối với ĐBSCL và trong tương lai. Do vậy, phát triển tăng trưởng xanh được xem là chìa khóa tháo gỡ khó khăn cho các tỉnh hiện nay.
Tuy nhiên, để đảm bảo nhu cầu đầu tư công cho tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025, toàn vùng ĐBSCL cần đến 120.000 tỷ đồng. Nhiều địa phương cho rằng, đây là vấn đề mới, khi bắt đầu thực hiện nhiều địa phương còn rất lúng túng, đặc biệt nguồn lực còn hạn chế để thực hiện đạt được mục tiêu như kỳ vọng.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được Chính phủ phê duyệt vào năm 2012 với 3 mục tiêu cơ bản cần hướng đến: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất và xanh hóa lối sống người tiêu dùng. Tại ĐBSCL hiện có 6 tỉnh gồm An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng và Hậu Giang đang hoàn thiện kế hoạch này.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những giải pháp thực hiện Tăng trưởng xanh. |
Thực tế tại tỉnh Hậu Giang, bên cạnh áp lực phát triển công nghiệp đang gây ô nhiễm môi trường ngày càng cao, lượng phát thải từ thế mạnh nông nghiệp đang là thách thức lớn với tỉnh. Năm 2015, lượng khí thải Co2 của Hậu Giang ước đạt hơn 4,3 triệu tấn, đến năm 2025 dự kiến tăng lên trên 6 triệu tấn. Hiện nay, lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người tại Hậu Giang đang cao gấp hai lần trung bình của cả nước.
Trước thách thức này, ông Võ Doãn Dụng, Trưởng phòng Tổng hợp, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hậu Giang đánh giá, tăng trưởng xanh là xu thế cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tế cuộc sống. Nếu thực hiện tăng trưởng xanh theo đúng kế hoạch sẽ giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính, thật sự có ý nghĩa cho phát triển bền vững của tỉnh. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới nên ngay trong quá trình lập kế hoạch đã bộc lộ rất nhiều hạn chế.
“Năng lực về thu thập dữ liệu để tính toán mức phát thải khí nhà kính còn hạn chế, thiếu cơ sở. Đa số các dự án đầu tư đều cần vốn rất lớn, trong khi ngân sách của tỉnh rất hạn chế. Hiện nay, đầu tư công của tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu trong kế hoạch tăng trưởng xanh của tỉnh giai đoạn tới”, ông Dụng cho hay.
Vừa qua, Bộ KH&ĐT đã công bố Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tại 5 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng và Hậu Giang. Trong đó, các tỉnh này sẽ chú trọng sự phát triển mang tính liên kết cao, trên quan điểm phát triển bền vững như nâng cao tính bền vững môi trường, bảo vệ hệ sinh thái đa dạng; Đảm bảo hài hòa các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường; Hạn chế tiêu cực từ dự án phát triển lên môi trường, xã hội của các địa phương trong vùng...
Riêng về nguồn lực để đảm bảo nhu cầu đầu tư công cho tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 – 2025, toàn vùng ĐBSCL cần đến 120.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 30.000 tỷ, ngân sách nhà nước 5.000 tỷ đồng.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liệu cho biết, đa số các tỉnh trong vùng ĐBSCL chưa tự cân đối được ngân sách. Hiện hữu là vấn đề BĐKH và nước biển dâng tại ĐBSCL nói chung và Bạc Liêu nói riêng đang rất cấp bách, nhưng ngân sách vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Đứng về góc độ tăng trưởng xanh, đòi hỏi nguồn lực cao hơn để sử dụng nguồn tài nguyên bền vững, hiệu quả và tạo ra môi trường sống cho người dân tốt hơn.
Theo ông Lê Minh Chiến, tăng trưởng xanh đặt ra rất nhiều mục tiêu, nhiều nhiệm vụ gắn liền với ngân sách nhưng thực tế khó đáp ứng được, cần xác định tăng trưởng xanh mang ý nghĩa rất lớn về lâu dài cho sự phát triển.
“Tăng trưởng xanh đặt ra nhiều mục tiêu, nhiều nhiệm vụ. Do vậy, muốn thực hiện cần nguồn lực rất lớn và cơ chế chính sách đi theo cần phải đồng bộ. Do vậy, khả năng đạt được mục tiêu như mong muốn là có giới hạn”, ông Chiến cho biết.
Nói về giải pháp để khắc phục những khó khăn, ông Hà Đăng Sơn, chuyên gia tư vấn về tăng trưởng xanh của Bộ KH&ĐT cho rằng, các tỉnh cần đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ nguồn tài trợ quốc tế đa phương và song phương trong phát triển tăng trưởng xanh. Đồng thời, chú trọng liên kết đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực phục vụ thực hiện chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các cụm, ngành kinh tế trọng điểm.
Theo ông Sơn, kế hoạch Tăng trưởng xanh đang cấp thiết. Các tỉnh trong vùng ĐBSCL, trong điều kiện từng địa phương cần rà soát lại quy hoạch để đáp ứng yêu cầu xanh hóa sản xuất và tập trung làm giảm cường độ phát thải khí nhà kính.
“Các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính đều tập trung vào các vấn đề phát triển các nguồn năng lượng tái tạo hoặc là đổi mới kỹ thuật canh tác, thay đổi cơ cấu nông nghiệp, đưa nhiều hơn tỷ trọng nông nghiệp với công nghệ cao. Liên quan đến vấn đề xanh hóa sản xuất, yêu cầu rà soát lại tất cả cá quy hoạch để đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu mới liên quan tới tăng trưởng kinh tế, liên quan đến môi trường…tất cả những vấn đề này khá cấp thiết”, ông Sơn chỉ rõ.
Trước những thách thức lớn về BĐKH, lượng phát thải khí nhà kính tăng cao, ô nhiễm môi trường,... tăng trưởng xanh là hướng đi cần thiết. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, các tỉnh ĐBSCL cần chủ động lồng ghép các trương trình, dự án, sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả để phát triển tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh cũng là việc địa phương cần thực hiện trước mắt./.
Kế hoạch phát triển kinh tế địa phương chưa gắn với tăng trưởng xanh