Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy cải cách
VOV.VN - Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cuộc đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay cũng có thể xem là cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy cải cách.
Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và đồng nhân dân tệ (CNY) liên tục mất giá, có thể hàng hóa giá rẻ Trung Quốc sẽ ồ ạt tràn vào Việt Nam, gây bất lợi cho cán cân thương mại.
Việc căng thẳng Mỹ- Trung có nguy cơ kéo dài nhiều năm khiến cho xu thế Trung Quốc quay trở lại thành đối tác nhập siêu lớn nhất là khó tránh khỏi nếu VND vẫn tăng giá so với CNY như hiện nay, VEPR nhận định.
(Ảnh minh họa: sputniknews) |
Kinh tế Việt Nam "thiệt đơn, thiệt kép"?
Đề cập tới tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích: Trung Quốc vốn có lợi thế, và giờ có thêm nhu cầu xuất khẩu sản phẩm từ nội địa Trung Quốc sang các quốc gia xung quanh, trong đó có Việt Nam. Mục tiêu là vừa tiêu thụ hàng hóa của họ, vừa để tìm đường xuất khẩu sang thị trường Mỹ thông qua nước thứ ba. Như vậy, kinh tế Việt Nam chịu "thiệt đơn, thiệt kép".
Bà Phạm Chi Lan chỉ rõ, khi hàng Trung Quốc giá rẻ tràn sang thị trường Việt Nam sẽ xuất hiện sự chèn ép đối với sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp Việt. Điều này cũng sẽ khiến phía Mỹ đưa Việt Nam vào "tầm ngắm" trong hoạt động áp thuế chống lẩn tránh, bán phá giá.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hầu hết sản phẩm của Việt Nam đang xuất khẩu đều làm gia công trên cơ sở nhập nguyên liệu, sản phẩm trung gian từ Trung Quốc. Nếu doanh nghiệp Việt vẫn tiếp tục làm gia công như trước, không tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn ở Việt Nam thì sản phẩm sẽ bị coi là không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Bản thân Việt Nam cũng là một quốc gia xuất siêu lớn thứ 5 sang thị trường Mỹ, cộng thêm yếu tố Trung Quốc đẩy hàng hóa sang Việt Nam, có thể khiến Việt Nam bị đưa tên vào danh sách trừng phạt do xuất siêu sang Mỹ, bà Phạm Chi Lan cảnh báo.
Về tác động của cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, TS. Lê Đăng Doanh cũng lo ngại doanh nghiệp Việt Nam rất dễ trở thành "đại lý" xuất khẩu hàng hóa, đưa sản phẩm Trung Quốc sang Mỹ.
TS. Lê Đăng Doanh cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ tìm được điểm dừng trong cuộc chiến thương mại này, song nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu không ít thiệt hại.
Ông Doanh phân tích: Tác động về cán cân thương mại rất rõ ràng. Giá trị hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu trang thị trường Mỹ là 503 tỷ USD, giờ không xuất khẩu được họ sẽ tìm kiếm thị trường khác và Việt Nam là một thị trường gần gũi với họ. Trung Quốc sẽ tìm cách đi cả cửa trước và cửa sau, thậm chí tuồn hàng hóa qua biên giới hai nước.
Cần chủ động giảm giá VND một cách khéo léo
Bên cạnh đó, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, đồng USD sẽ mạnh lên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất tăng lên, trong khi đó, lãi suất huy động USD tại hệ thống ngân hàng Việt Nam là 0%. Ai sở hữu vài triệu USD sẽ tìm cách chuyển tiền sang Mỹ để hưởng chênh lệch lãi suất. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ tìm cách rút dòng vốn khỏi Việt Nam để đầu tư về Mỹ.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam thực tế còn tương đối mỏng. (Ảnh minh họa) |
TS. Thành cho rằng lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam thực tế còn tương đối mỏng tính theo tuần nhập khẩu, nên việc can thiệp có quy mô hạn chế. Tiếp đó, việc tăng lãi suất sẽ dẫn tới những hệ lụy cho doanh nghiệp trong năm 2019 và 2020.
Vì vậy, việc chủ động giảm giá VND một cách khéo léo giữa mức mất giá của CNY so với USD là cần thiết để Việt Nam thích ứng trong cuộc chiến tranh thương mại, Viện trưởng VEPR khuyến nghị.
Mặt khác, TS. Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh: Cuộc đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay cũng có thể xem là cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy cải cách để chủ động cải thiện tình trạng của chính mình đối với hai nước.
Viện trưởng VEPR cho rằng, Việt Nam cần tranh thủ nỗ lực tạo thêm dự địa chính sách để tăng sức chịu đựng trước những rủi ro sắp tới từ môi trường toàn cầu. Đó là việc tiếp tục giảm thâm hụt ngân sách, tăng thặng dư thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh và thủ tục hành chính, sắp xếp lại bộ máy nhà nước và chống tham nhũng./.