Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn

VOV.VN - Các Bộ, ngành cam kết đưa ra các giải pháp thiết thực, kịp thời hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, triển nền kinh tế.

Đánh giá cao nỗ lực vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh của cộng đồng doanh nghiệp, tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sáng 9/5, đại diện nhiều Bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước đã cam kết tiếp tục đồng hành cùng DN nhanh chóng đưa ra các giải pháp thiết thực, kịp thời hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh tăng phát triển nền kinh tế.

Ôn định chính sách tiền tệ, miễn giảm thuế, phí…

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, trong suốt thời gian chịu tác động của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã luôn chủ động điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, kiểm soát lạm phát không để tỷ giá biến động, đảm bảo thanh khoản nền kinh tế, giảm lãi suất, giữ nền tảng vĩ mô và môi trường kinh doanh ổn định.

“Tính đến ngày 8/5, NHNN đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215.000 khách hàng với dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng. Miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260.000 khách hàng với dư nợ 1,08 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt khoảng 630.000 tỷ đồng cho khoảng 182.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch; miễn, giảm phí thanh toán khoảng 1.004 tỷ đồng”, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.

Cũng theo Thống đốc Lê Minh Hưng, thời gian tới, NHNN tiếp tục đảm bảo điều hành chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để khôi phục kinh tế sau dịch, điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng can thiệp để đảm bảo thanh khoản ngoại tệ cho nền kinh tế, không để xảy ra bất ổn vĩ mô. NHNN cam kết cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, đồng thời, căn cứ nhu cầu vốn cho tăng trưởng, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các TCTD cao hơn so với kế hoạch từ đầu năm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Đề xuất 10 giải pháp, chính sách tài khóa, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, thời gian tới tiếp tục sẽ trình Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc miễn, giảm thuế thông qua chính sách thuế TNDN đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

“Bộ Tài chính tập trung nghiên cứu, điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; điều chỉnh thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát, cắt giảm các khoản phí, lệ phí để giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó tập trung vào nghiên cứu giảm thời gian, giảm hồ sơ, giấy tờ và chi phí thực hiện TTHC liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát TTHC nhằm đánh giá tình hình giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp và kịp thời chấn chỉnh, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết TTHC.

Nhiều yếu tố thuận lợi để bứt phá

Khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ cùng cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển đất nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề xuất 5 giải pháp để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Thứ nhất, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp các Bộ, ngành và các Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng DN để rà soát đánh giá thực trạng, cũng như khả năng thẩm thấu các gói hỗ trợ và các chính sách, cơ chế của Chính phủ để đánh giá mức độ, yêu cầu và hiệu quả của điều hành Chính phủ trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Thứ hai, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ cụ thể hơn cho DN theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đẩy nhanh và quyết liệt hơn nữa cắt giảm điều kiện kinh doanh, hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo thuận lợi cho DN trong cơ hội tiếp cận thị trường cũng như hoạt động đầu tư sản xuất.

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, coi đây là nền tảng quan trọng để tạo thuận lợi, hỗ trợ cho phát triển kinh tế năm 2020 thông qua thương mại điện tử và hạ tầng thương mại; tạo động lực kích cầu đồng thời đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại hiệu quả hơn.

Thứ tư, Bộ Công Thương xây dựng các Đề án cụ thể phát triển cho từng khu vực, thị trường, ngành hàng ngay khi Covid-19 được kiểm soát và khống chế thành công trên toàn thế giới. Trong đó tập trung vào việc mở cửa thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại; gắn kết với chuỗi cung ứng thị trường ngoài nước; các hoạt động phòng vệ thương mại, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp trong các vụ kiện tranh chấp cũng như phát triển bền vững tại thị trường này.

Thứ năm, tập trung khai thác lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do với EU, CPTPP, RCEP,…bằng việc hoàn thiện các khung khổ hợp tác để xây dựng các chuỗi cung ứng mới thông qua các hoạt động đầu tư, thu hút đầu tư, liên kết đầu tư với các đối tác lớn trong hàng loạt các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến chế tạo, từ đó tạo ra vị thế mới của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng này.

"Trên tinh thần báo cáo nhanh gọn những nội dung Bộ Công Thương sẽ triển khai thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ cùng cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển đất nước", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên