Chính sách kinh tế cần tinh tế hơn, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng tốt hơn

VOV.VN - Sau hơn 2 năm chịu tác động từ đại dịch, kinh tế đất nước đã và đang chuyển mình, dần phục hồi tăng trưởng.

Số liệu kinh tế quý 1 vừa được Tổng Cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố thể hiện thực tế này - khi hầu hết các chỉ số đều vượt, thậm chí là vượt trội so với cùng kỳ 2020 và 2021. Nhiều chuyên gia khẳng định, có kết quả này là nhờ nỗ lực từ mọi thành phần kinh tế, với những chủ trương-chính sách hợp lý, kịp thời. Tuy nhiên, bối cảnh mới, với những biến động khôn lường từ kinh tế quốc tế, cần những chủ trương, chính sách tinh tế-nhanh nhạy hơn vì mục tiêu tăng trưởng kỳ vọng 6,5% cả năm.

Từ thực tiễn sản xuất kinh doanh tại TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Ly – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Komtek cho rằng, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực rất nhiều: không chỉ nhằm duy trì nguồn thu-trụ vững trên thương trường, hài hoà bộ máy quản trị với nguồn nhân lực sẵn có, để đảm bảo quy mô doanh nghiệp, mà còn tranh thủ tận dụng, khai thác tốt những thuận lợi khách quan mang lại như kinh tế số, các hiệp định thương mại tự do. Chính những nỗ lực này đã giúp nhiều doanh nghiệp sớm phục hồi năng lực, đóng góp vào tăng trưởng chung.

“Doanh nghiệp TP.HCM, doanh nghiệp Việt Nam có sự uyển chuyển rất lớn, có sự thích ứng nhanh hơn các doanh nghiệp nước ngoài do mình nhỏ hơn, mình điều chỉnh nhanh hơn, dễ điều chuyển hơn. Thứ 2 là khả năng mở rộng quan hệ ngay cả trong thời gian Covid-19, làm việc tại nhà nhưng tương tác với các đối tác nước ngoài và cố gắng điều chỉnh chuỗi cung ứng hay khách hàng nước ngoài vẫn diễn ra liên tục qua môi trường trực tuyến, không có đóng băng, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn mở rộng và nhanh hơn bình thường” - ông Nguyễn Hoàng Ly nói.

 

doanh_nghiep_kinh_te_may_mac.jpg

Đồng thuận quan điểm này, ông Nguyễn Văn Thân - Đại biểu Quốc hội Khoá XV, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khẳng định, giới doanh nhân, doanh nghiệp cả nước đã có nhiều đóng góp cho tiến trình phục hồi tăng trưởng. Thực tế này hiện hữu ngay từ quý 1 vừa qua, GDP quý 1 tăng 5,03% so với cùng kỳ 2021 là nhờ hệ thống chủ trương, chính sách thích ứng, linh hoạt cùng chiến lược vaccine kịp thời, hiệu quả của Chính phủ.

Đây là những yếu tố làm thay đổi cục diện, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Trong đó, chính sự chủ động và nỗ lực tranh thủ những điều kiện, thuận lợi từ nền tảng chính sách sách vĩ mô, cùng bối cảnh kinh tế quốc tế của giới doanh nhân, doanh nghiệp đã góp sức đưa nhịp tăng trưởng hồi phục sớm hơn.

“Bản chất doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa nỗ lực tự thân rất là nhiều. Trong tác động của đại dịch Covid-19, tiềm năng doanh nghiệp đã bật lên, buộc phải làm để duy trì sự sống doanh nghiệp. Tôi đánh giá rất cao sự tự thân đó nhưng về lâu dài cần sự hỗ trợ, để doanh nghiệp có đà bật nhanh hơn. Điều này Chính phủ làm tốt với các gói hỗ trợ, giúp doanh nghiệp, dù còn những lúng túng, vướng mắc nhưng đã rất hài hoà trong bối cảnh Covid-19” - ông Nguyễn Văn Thân nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, để tiến tới mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra cho cả năm nay ở mức 6,5% còn nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế quốc tế diễn biến khó lường, với những tác động không nhỏ từ cuộc chiến Nga - Ukraine.

Bức tranh kinh tế quý 1 đã có nhiều điểm sáng nhưng cũng còn những gam màu trầm, cần được quan tâm, cải thiện, ví dụ: dù Chính phủ đôn đốc giải ngân vốn đầu tư, hỗ trợ các ngành nghề lĩnh vực, nhưng ngành xây dựng vẫn chỉ đạt mức tăng 2,57% cho thấy triển khai giải ngân vốn đầu tư và thực hiện xây lắp chưa như kỳ vọng; ngành bán buôn bán lẻ tăng trưởng thấp phản ánh tổng cầu của toàn nền kinh tế phục hồi chậm, trong khi cùng với đầu tư và xuất khẩu, tổng cầu nội địa là động lực tăng trưởng.

vov_kinh_te_viet_nam.jpg

Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp dù đã đóng góp tới hơn 60% GDP nhưng nếu xét trên số liệu doanh nghiệp thành lập, doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động, cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp cần được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn.

PGS.TS Vũ Thành Hưng – Giảng viên Cao cấp Đại học Quản trị Paris, Pháp; Nguyên Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân kiến nghị: “Về phía doanh nghiệp nỗ lực trụ vững hay phát triển là chuyện của họ nhưng họ hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, liên quan thủ tục hành chính, nên nếu các thủ tuc hành chính nhiều và rườm rà, hệ luỵ đầu tiên là doanh nghiệp mất rất nhiều công sức và chi phí thời gian – những cái đó không giúp tạo giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Thứ 2, đã là thủ tục là phải làm, làm thì mất thời gian mà đã mất thời gian là mất cơ hội. Trong nhiều động lực cho sự phát triển hiện nay, một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng là phải nhanh hơn”.

Cùng kỳ vọng vào nỗ lực của mọi thành phần kinh tế, TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề nghị: “Cần liên tục theo dõi tốt diễn biến giá cả để điều hành vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy đầu tư nhất là đầu tư công. Hỗ trợ sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu do tình hình còn nhiều bất định hơn so với trước, nhất là tác động chiến tranh Nga - Ukraine. Tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư và đẩy mạnh hơn chuyển đổi số, tăng sức chống chịu, hồi phục của nền kinh tế, trong điều kiện nhiều bất định. Giám sát hữu hiệu việc thực hiện các giải pháp trong chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023, nhất là phát triển và lành mạnh thị trường bất động sản và đầu tư công”.

Dù đã nghiên cứu, khảo sát tình hình thực tế để khuyến nghị chính sách cụ thể, các chuyên gia lưu ý, bài học giai đoạn kinh tế vừa qua cho thấy, nhiều giải pháp phát triển kinh tế được vạch sẵn có thể không còn phù hợp khi thế giới biến động - cuộc chiến Nga - Ukraine là ví dụ. Do vậy, cả trước mắt và lâu dài, điều hành chính sách vĩ mô cần tinh tế, nhạy bén và linh hoạt hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi, định hướng cho các thành phần kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng chung ngày càng tốt hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tăng trưởng tín dụng thúc đẩy phục hồi kinh tế
Tăng trưởng tín dụng thúc đẩy phục hồi kinh tế

VOV.VN - Một trong những giải pháp quan trọng để phục hồi kinh tế là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, dẫn vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm. Nhiều ngân hàng đang đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 20%-30% trong năm nay chủ yếu dựa vào mảng bán lẻ, cho vay cá nhân, bất động sản...

Tăng trưởng tín dụng thúc đẩy phục hồi kinh tế

Tăng trưởng tín dụng thúc đẩy phục hồi kinh tế

VOV.VN - Một trong những giải pháp quan trọng để phục hồi kinh tế là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, dẫn vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm. Nhiều ngân hàng đang đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 20%-30% trong năm nay chủ yếu dựa vào mảng bán lẻ, cho vay cá nhân, bất động sản...

Tăng trưởng kinh tế phục hồi nhờ lực kéo từ "cỗ xe tam mã"
Tăng trưởng kinh tế phục hồi nhờ lực kéo từ "cỗ xe tam mã"

VOV.VN - “Cỗ xe tam mã” đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đã tăng tốc ngay từ những tháng đầu năm và đang tiếp tục phát huy vai trò làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Tăng trưởng kinh tế phục hồi nhờ lực kéo từ "cỗ xe tam mã"

Tăng trưởng kinh tế phục hồi nhờ lực kéo từ "cỗ xe tam mã"

VOV.VN - “Cỗ xe tam mã” đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đã tăng tốc ngay từ những tháng đầu năm và đang tiếp tục phát huy vai trò làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Kinh tế Khánh Hoà phục hồi, tốc độ tăng trưởng gần 5%
Kinh tế Khánh Hoà phục hồi, tốc độ tăng trưởng gần 5%

VOV.VN - Sau hơn 2 năm bị suy giảm sâu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, quý 1 năm nay, kinh tế tỉnh Khánh Hoà ước tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Cộng đồng doanh nghiệp giúp kinh tế tỉnh Khánh Hoà tiếp tục đà hồi phục.

Kinh tế Khánh Hoà phục hồi, tốc độ tăng trưởng gần 5%

Kinh tế Khánh Hoà phục hồi, tốc độ tăng trưởng gần 5%

VOV.VN - Sau hơn 2 năm bị suy giảm sâu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, quý 1 năm nay, kinh tế tỉnh Khánh Hoà ước tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Cộng đồng doanh nghiệp giúp kinh tế tỉnh Khánh Hoà tiếp tục đà hồi phục.