Chính sách và nguồn vốn làm khó quá trình chuyển dịch năng lượng
VOV.VN - Việc tiếp cận với các nguồn vốn rẻ và dài hạn cho các dự án năng lượng còn rất khó do chính sách chưa đồng bộ, ổn định và dài hạn.
Tại Diễn đàn Phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam do Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam tổ chức ngày 20/4, các chuyên gia nhận định, Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn và nổi trội ở khu vực; tiềm năng lớn điện mặt trời lớn, có thể phát triển ở các quy mô khác nhau và cơ hội kết hợp giữa các công nghệ năng lượng, giữa năng lượng tái tạo với nông nghiệp để tạo ra nhiều lợi ích. Ngoài ra, thủy điện là nguồn điều tần có chi phí thấp cho Việt Nam; pin tích năng và công nghệ sản xuất hydro là chìa khóa cho tương lai năng lượng sạch…
TS. Đinh Thế Phúc, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển của EVN có nhiều nội dung liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Có thể kể đến như đầu tư phát triển hệ thống điện phải đảm bảo đồng bộ và hợp lý từ sản xuất - truyền tải - phân phối kinh doanh điện, có khả năng tích hợp quy mô lớn nguồn năng lượng tái tạo; tiếp cận công nghệ tiên tiến để đảm bảo an toàn, tin cậy, bảo vệ môi trường.
Đồng thời, khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, trọng tâm là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch cũng như các chương trình tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả; tăng cường thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài, bao gồm vốn viện trợ phát triển chính thức ưu đãi, viện trợ phát triển chính thức không ưu đãi, vay thương mại nước ngoài,...
Tuy nhiên, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho rằng, thách thức đối với chuyển dịch năng lượng bền vững vẫn còn nhiều, như: Lưới điện truyền tải chưa được phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn năng lượng tái tạo; chưa có đủ nguồn dự phòng và hệ thống tích trữ năng lượng để tích hợp năng lượng tái tạo ở quy mô lớn.
Đặc biệt việc tiếp cận với các nguồn vốn rẻ và dài hạn cho các dự án năng lượng còn rất khó do chính sách chưa đồng bộ, ổn định và dài hạn. Để chuyển đổi, dịch chuyển năng lượng bền vững, bà Khanh cho hay, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực thi một cách đồng bộ và nhất quán chính sách ưu tiên sử dụng hiệu quả năng lượng gắn với phát triển ngành năng lượng tái tạo, hạn chế việc đầu tư thêm các nhà máy sản xuất điện nhiên liệu hóa thạch.
“Các chính sách phát triển năng lượng tái tạo cần quan tâm cả quy mô tập trung, phân tán và tích hợp để vừa tránh xung đột về đất đai, vừa đảm bảo sinh kế và cơ hội hợp tác mới của người dân và các nhóm cộng đồng bị ảnh hưởng trong chuyển dịch năng lượng; khai thông thị trường vốn ưu đãi từ quốc tế cho năng lượng sạch”, bà Khanh nói.
Theo TS. Nguyễn Thị Diệu Trinh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ KH&ĐT) cho rằng, suất đầu tư vào các dự án năng lượng vẫn cao, hệ số công suất thấp (từ 20% -30%) dẫn đến chi phí sản xuất điện cao. Điện gió khoảng 2,0 triệu USD/MW, điện mặt trời khoảng 1,1 - 1,3 triệu USD/MW tương đương với chi phí đầu tư thủy điện, nhưng hệ số công suất thủy điện có thể đạt 40% -45%.
“Ở các định chế tài chính và ngân hàng thương mại thường chú ý đến các sản phẩm cho vay thông thường, cho vay thương mại hơn là cho vay dự án năng lượng. Ngoài ra, năng lực của các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) còn yếu, chất lượng tư vấn chưa cao cũng như tiềm lực về vốn để đầu tư vào năng lượng tái tạo còn hạn chế. Đây đều là những thách thức đối với chuyển dịch năng lượng bền vững”, TS. Diệu Trinh nhận định.
Theo Bộ Công Thương, giai đoạn 2021-2030, mức tiết kiệm năng lượng trung bình có thể giúp đạt các mục tiêu chính sách tốt với mức tăng chi phí vừa phải. Tuy nhiên ở giai đoạn sau 2030, nếu các hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả được đẩy mạnh hơn nữa thì hiệu quả kinh tế đối với quốc gia sẽ cao hơn nhiều. Năng lượng tái tạo và khí tự nhiên sẽ là các trụ cột cho việc chuyển dịch năng lượng nhằm giảm phát thải và tăng cường an ninh năng lượng trong dài hạn thông qua giảm tỷ trọng năng lượng nhập khẩu và đa dạng hoá cung cấp năng lượng.
TS. Nguyễn Ngọc Hưng, Phòng Kinh tế Năng lượng – Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) kiến nghị, cần giám sát nghiêm ngặt đối với mọi cơ sở khai thác và sản xuất năng lượng có phát thải ô nhiễm môi trường và có các chế tài nghiêm ngặt đối với các cơ sở năng lượng vi phạm quy định để phát thải ô nhiễm ra môi trường vượt mức cho phép.
“Cần đồng thời nghiên cứu áp dụng các công cụ tài chính (thuế, phí, chứng chỉ…) nhằm điều chỉnh hành vi sản xuất và tiêu thụ năng lượng, từ đó tạo nguồn thu cho hoạt động đầu tư vào các giải pháp năng lượng sạch”, TS. Hưng nêu ý kiến./.