“Chợ 4.0” - tạo thói quen tiêu dùng không tiền mặt

VOV.VN- Việc thanh toán không dùng tiền mặt đang dần trở nên phổ biến hơn trong mọi lĩnh vực. Tại Quảng Ninh, các mô hình thí điểm "Chợ 4.0", "Phố thông minh" đã bước đầu góp phần thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân, bắt đầu từ việc mua sắm hàng hoá, trả phí dịch vụ...

Mỗi ngày, quầy kinh doanh hải sản của gia đình chị Nguyễn Bích Ngọc tại chợ Hạ Long 1 (TP.Hạ Long) có thể bán tới 1 tạ chả mực, lượng tiền giao dịch trực tiếp tương đối lớn. Mấy tháng nay, sau khi trang bị mã QR dán trước quầy, nhận thanh toán không dùng tiền mặt, việc quản lý bán hàng của chị trở nên thuận tiện hơn rất nhiều.

“Tôi bán cho khách du lịch nhiều, có tiền trong tài khoản thì họ thanh toán bằng mã QR, họ chỉ việc điền số tiền, có hết thông tin rồi. Như thế rất tiện, không cần trả tiền mặt vì nhiều khi lại nhầm lẫn. Bây giờ thời 4.0, mọi người ai cũng biết sử dụng công nghệ”, chị Ngọc nói.

Là trung tâm mua bán luôn nhộn nhịp người dân và khách du lịch, chợ Hạ Long 1 là một trong những chợ truyền thống thí điểm mô hình “Chợ công nghệ mới - Chợ 4.0”. Từ tháng 8 vừa qua, UBND TP. Hạ Long đã phối hợp với các đơn vị viễn thông triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho các hộ tiểu thương tại đây, cũng như: chợ Hạ Long 2, chợ Cái Dăm…

“Đi chợ thảnh thơi, không lo tiền lẻ”, “Quét QR khắp mọi chốn”, tiểu thương được hướng dẫn đăng ký điểm chấp nhận thanh toán thông qua mã QR bằng các ứng dụng Mobile Money trang bị các mã QR thuận tiện cho khách hàng. Cùng với đó, tiểu thương có thể thanh toán các loại phí dịch vụ sử dụng tại chợ, thanh toán cho các tiểu thương khác… Trước đó, mô hình “Phố thông minh không dùng tiền mặt” cũng được xây dựng tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, giúp du khách có thể mua sắm tiện lợi, nhanh chóng.

Anh Lê Quốc Hưng, du khách từ Hà Nội cho rằng, các mô hình chợ thông minh đang đáp ứng xu thế hiện nay: “Tiết kiệm được rất nhiều thời gian, cũng không phải mang tiền mặt, đáp ứng được nhu cầu hiện nay của du khách khi mà chúng ta ứng dụng công nghệ số vào hoạt động dịch vụ”.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh, việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại Quảng Ninh đang có những kết quả tích cực. Hiện tỷ lệ dân số trưởng thành trên địa bàn có tài khoản thanh toán điện tử đạt 95%. Trong 7 tháng năm 2022, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng hơn 26%, giá trị giao dịch tăng gần 29%, các kết quả về thu thuế, thanh toán tiền điện, tiền nước… đều vượt chỉ tiêu đề ra. Số tài khoản Mobile Money của các đơn vị viễn thông cũng tăng.

Tuy vậy, trong lĩnh vực phát sinh giao dịch thường xuyên như mua bán hàng hoá tại các chợ, hiệu quả triển khai vẫn chưa được như kỳ vọng. Theo khảo sát tại các chợ, nhiều tiểu thương vẫn còn e ngại về tính an toàn khi thanh toán điện tử, người lớn tuổi gặp khó trong sử dụng ứng dụng điện thoại, hoặc đơn giản là tâm lý “tiền tươi thóc thật”, dùng tiền mặt thu được để tiếp tục mua bán, sử dụng…

“Những người già khoảng 70, 80 tuổi họ không dùng điện thoại thông minh. Như tôi bán hàng, có tiền nhưng không phải lúc nào cũng có tiền trong tài khoản, phải ra ngân hàng thì bỏ bê công việc không đi được”, chị Lê Thị Minh, một tiểu thương cho hay.

Bên cạnh cung ứng cơ sở hạ tầng và phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, việc tuyên truyền, phổ biến về vai trò, lợi ích, ý nghĩa của thanh toán điện tử, thanh toán số đối với người dân là đặc biệt quan trọng. Việc thí điểm triển khai các mô hình Chợ 4.0 có mục tiêu lớn nhất là tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, qua đó, dần hình thành thói quen về lâu dài.

Đầu năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, thực hiện đồng thời và song song với quá trình thực hiện Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh. Mục tiêu đến cuối năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; 90% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; có trên 42.000 điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ chức, cá nhân kinh doanh,… Đi chợ 4.0, mua sắm các dịch vụ trực tuyến, thanh toán điện nước, viện phí, học phí, dịch vụ công không dùng tiền mặt,… là những hoạt động cụ thể để hiện thực hoá mục tiêu này trong tương lai./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên