Chống lạm phát - phải kiên trì

Việc chống lạm phát năm nay khó hơn do dư địa chính sách tài khoá và tiền tệ không còn nhiều, cộng với sức chịu đựng của nền kinh tế đã giảm do khó khăn tích luỹ từ 2 năm qua

6 tháng đầu năm nay tiếp tục là thời kỳ khó khăn với cả nền kinh tế, biểu hiện qua chỉ số giá tiêu dùng CPI 6 tháng tăng tới 13,29% so với thời điểm cuối năm ngoái. CPI luôn là chỉ số được dùng để đo mức độ lạm phát của nền kinh tế. Tuy nhiên, chỉ tiêu được các nhà hoạch định chính sách đưa ra từ đầu năm là kiềm chế CPI cả năm khoảng 7%, đã bị phá vỡ.

Giảm lạm phát để khi chi tiêu, mua sắm cho các nhu cầu cơ bản, thiết yếu, người dân không phải chịu đựng chuyện hàng hoá, dịch vụ mỗi ngày một giá

Trong phiên họp thường kỳ tháng 6 vừa qua, con số được Chính phủ đưa ra là phấn đấu từ giờ đến cuối năm, kiềm chế lạm phát không tăng quá 17%. Trên thực tế, việc kiềm chế lạm phát ở con số này sẽ rất khó khăn, nếu các giải pháp không được thực hiện đồng bộ, nhất quán.

Bước vào năm 2011, khó khăn lớn nhất được xác định là nguy cơ lạm phát cao. Thực tế 6 tháng qua cho thấy, nguy cơ đã biến thành hiện thực, thậm chí vượt quá dự liệu của Chính phủ. Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, việc tăng giá các mặt hàng đầu vào của nền kinh tế như điện, than, xăng dầu, cùng yếu tố tăng giá tâm lý, tăng giá đón đầu, té nước theo mưa… đã đóng góp vào mức tăng CPI 6 tháng khoảng 4%. Như vậy, sau khi trừ đi con số này, lạm phát cơ bản 6 tháng qua vào khoảng 9% - một con số rất cao, trong khi tăng trưởng GDP trong nước 6 tháng qua ước ở mức 5,6%. Hiệu quả tăng trưởng, vì thế mà ít có ý nghĩa.

Đối tượng ảnh hưởng nặng nề nhất của lạm phát luôn là những người về hưu, với đồng lương hưu cố định mà đồng tiền lại bị mất giá. Những hộ nghèo, thu nhập thấp, phần lớn chi tiêu của gia đình họ chỉ đủ dành cho những nhu cầu cơ bản. Chính phủ đã có nhóm giải pháp an sinh như hỗ trợ tiền điện cho người nghèo, trợ cấp cho người thu nhập thấp, nâng lương cơ bản…, nhưng đây chỉ là những giải pháp tình thế. Cái gốc vẫn là những biện pháp kinh tế, làm giảm lạm phát, ngăn đà tăng giá tiêu dùng, để điều đơn giản nhất là khi chi tiêu, mua sắm cho các nhu cầu cơ bản, thiết yếu, người dân không phải chịu đựng chuyện hàng hoá, dịch vụ mỗi ngày một giá, còn sâu xa hơn là chuyện tăng niềm tin của người dân vào điều hành chính sách.

Nỗ lực điều hành của Chính phủ, thông qua việc Ngân hàng Nhà nước áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ 6 tháng qua đã phần nào hạn chế tốc độ tăng lạm phát, biểu hiện qua con số giảm dần tốc độ tăng của chỉ số giá cả tháng 5 và tháng 6. Tuy nhiên, không thể chỉ căn cứ vào độ giảm của CPI qua hàng tháng, mà có tâm lý yên tâm “con ngựa” lạm phát đã được ghìm cương.

Bài học thiếu nhất quán trong điều hành chính sách năm 2010 cần được nhắc lại. 6 tháng đầu năm ngoái, chính sách tiền tệ được đánh giá là “siết rất chặt”, với mức tăng trưởng tín dụng 10% và tăng cung tiền chỉ ở mức 7%. Nhưng sang đến quý III, khi lạm phát đã có dấu hiệu được kiềm chế, chính sách lại “lỏng” tới mức tăng trưởng tín dụng lên tới 31% và tăng cung tiền gấp 4 lần nửa năm trước đó, tới 28%. Vì vậy, cộng hưởng các yếu tố thiên tai, bão lụt, quy luật hoạt động kinh tế cuối năm, quý IV năm 2010, CPI đã tăng vọt và để lại hậu quả độ trễ chính sách nới lỏng sang tới nửa đầu năm nay.

Việc chống lạm phát năm nay khó hơn năm lạm phát “đỉnh” 2008 do dư địa chính sách tài khoá và tiền tệ không còn nhiều, cộng với sức chịu đựng của nền kinh tế đã giảm do khó khăn tích luỹ từ 2 năm qua. 6 tháng đầu năm nay, chính sách tiền tệ cơ bản được thực hiện theo định hướng của Nghị quyết 11 của Chính phủ, nhưng chính sách tài khoá dường như vẫn chưa hoà cùng nhịp điệu với chính sách tiền tệ, khi việc cắt giảm đầu tư công chưa có những kết quả thuyết phục.

Kiên trì, đồng bộ và nhất quán thực hiện chính sách tiền tệ, tài khoá chặt chẽ, thận trọng, đó là yêu cầu đặt ra với công tác điều hành kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm nay, để có thể kìm phát ở mức do Chính phủ mới đưa ra là dưới 17%. Tư duy điều hành chính sách “chặt chẽ” mà Chính phủ đang hướng tới có điểm khác với “thắt chặt”, đó là kiểm soát chặt cung tiền, giảm tổng cầu của nền kinh tế, nhưng có xem xét, tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả sản xuất, định hướng luồng vốn đầu tư của xã hội vào những khu vực sử dụng vốn hiệu quả, bảo đảm tăng trưởng bền vững.

So sánh hiệu quả đầu tư 6 tháng của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, cùng kỳ năm 2010, để tạo ra 1 đồng GDP cần đầu tư 7,38 đồng. Còn 6 tháng năm 2011, cần đầu tư 6,9 đồng để tạo ra 1 đồng GDP. Đây mới chỉ là đánh giá nhanh, chưa thể đưa ra kết luận cụ thể, nhưng cũng có thể nhận thấy hiệu quả đầu tư đã được cải thiện. Nâng cao được hiệu quả vốn đầu tư, cũng có nghĩa là góp phần kiềm chế lạm phát.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm, trong khi vốn đầu tư của khu vực Nhà nước giảm, thì ở khu vực dân doanh, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và nguồn vốn đầu tư vẫn tăng gần 15% so cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy sự năng động của khu vực kinh tế tư nhân. Đây cũng là điểm đáng chú ý trong định hướng điều hành chính sách của Chính phủ nửa cuối năm nay, để khai thông, phát huy các nguồn lực trong nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên