Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn EVFTA
VOV.VN - Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Tại buổi họp Quốc hội sáng nay (20/5), Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thừa ủy quyền Chủ tịch nước trình bày tờ trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Theo đó, Hiệp định sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 05 năm sau đó).
EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Thông qua Hiệp định này, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD chiếm 22% GDP toàn cầu.
EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25%. |
Về nhập khẩu, dự kiến nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030, tập trung vào một số mặt hàng như phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện điện tử, dược phẩm. EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường nước ta để không bị phụ thuộc vào sự giới hạn một số thị trường, đồng thời có sự tác dụng là đòn bẩy kích thích các đối tác khác tăng cường quan hệ thương mại - đầu tư với Việt Nam.
Về đầu tư, EVFTA là cơ hội để Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ.
Về lao động, EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm. Về thu ngân sách, dự kiến tổng mức giảm thu từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trên 2.500 tỷ đồng, tuy nhiên tăng thu từ thu nội địa dưới tác động của đầu tư, thương mại và tăng trưởng kinh tế khoảng 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030.
Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XIV cho rằng, báo cáo đánh giá tác động của Hiệp định được Chính phủ tiến hành vào cuối năm 2019 và đề nghị Chính phủ đánh giá thêm tác động của Hiệp định sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là các khó khăn thách thức do đại dịch ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa xã hội, nhất là tăng trưởng GDP, thu ngân sách, cơ cấu ngành, thu hẹp thị trường, giảm việc làm. Chính phủ cần dự báo xu hướng phát triển kinh tế quốc tế;
Đề ra các giải pháp xử lý để đảm bảo an ninh chính trị, an ninh kinh tế và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Cập nhật và đánh giá cụ thể hơn tác động tích cực và tiêu cực của Hiệp định đến các ngành, lĩnh vực để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tận dụng tốt các cơ hội và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực từ Hiệp định, đồng thời có chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng từ Hiệp định.
Căn cứ Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và các ý kiến thẩm tra, Ủy ban Đối ngoại xin kiến nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn Hiệp định EVFTA tại một kỳ họp và tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; cho phép áp dụng Hiệp định này với Anh cho đến hết giai đoạn chuyển tiếp ngày 31/12/2020 và có thể gia hạn đến 24 tháng theo thỏa thuận giữa Anh và Liên minh châu Âu về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.
Đồng thời giao Chính phủ thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại tự do song phương với Anh trên cơ sở Hiệp định EVFTA với những điều chỉnh phù hợp đảm bảo lợi ích cho cả hai bên để áp dụng thay thế cho Hiệp định EVFTA khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc, theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016./.