Chứng khoán Mỹ và giá dầu đồng loạt tăng nhờ tin tốt về lãi suất, trần nợ
Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 76,2% Fed sẽ không nâng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào ngày 13-14/6...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (1/6), với hai chỉ số Nasdaq và S&P 500 đạt mức đóng cửa cao nhất trong 9 tháng, khi nhà đầu tư vui mừng trước việc Thượng viện Mỹ chuẩn bị bỏ phiếu thông qua thoả thuận nâng trần nợ. Tín hiệu về sự suy yếu của sức ép tăng lương mang tới hứng khởi vì làm dấy lên hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ sớm dừng tăng lãi suất.
Đây cũng là những yếu tố đưa giá dầu thô tăng hơn 3% trong phiên này, sau mấy phiên liên tiếp giảm mạnh.
Báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua tăng nhẹ. Báo cáo của công ty dịch vụ tuyển dụng ADP cho thấy số lượng việc làm mới trong khu vực kinh tế tư nhân ở Mỹ tăng mạnh hơn kỳ vọng trong tháng 5, phản ánh một thị trường việc làm vẫn thắt chặt - đặt ra khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất.
Tuy nhiên, báo cáo của ADP cũng cho thấy lạm phát tiền lương đang chậm lại. Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cũng nói rằng giá nhân công trên mỗi đơn vị sản phẩm-dịch vụ đầu ra chỉ tăng 4,2% trong quý 1, một sự điều chỉnh giảm mạnh so với mức tăng 6,3% đưa ra trong lần công bố hồi tháng 5.
“Thông thường, số liệu về chi phí nhân công mỗi đơn vị sản phẩm-dịch vụ không gây ra phản ứng trên thị trường. Nhưng lần này, số liệu cho thấy một sự cải thiện quan trọng”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nhận định. “Thị trường đã trở nên tin tưởng rằng rất có thể Fed sẽ không tăng lãi suất trong tháng 6, và họ cũng đến việc Fed hạ lãi suất trong tháng 7”.
Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 76,2% Fed sẽ không nâng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào ngày 13-14/6 – theo dữ liệu từ FedWatch Tool của CME Group.
Tâm điểm chú ý của thị trường giờ đây dịch chuyển sang báo cáo việc làm tổng thể dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu. Dữ liệu này sẽ có vai trò quan trọng trong việc quyết định đường đi chính sách tiền tệ của Fed trong thời gian tới.
Cả Nasdaq và S&P 500 cùng đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 8/2022, khi nhà đầu tư tin rằng Fed có thể đưa nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm.
Chốt phiên, chỉ số Dow Jones tăng 154,09 điểm, tương đương tăng 0,47%, đạt 33.062,36 điểm. S&P 500 tăng 0,99%, đạt 4.221,09 điểm. Nasdaq tăng 1,28%, đạt 13.100,98 điểm.
Trong một diễn biến liên quan đến thoả thuận trần nợ, Thượng viện Mỹ đang gấp rút chuẩn bị cho việc phê chuẩn thoả thuận này ngay trong buổi tối ngày thứ Năm theo giờ Mỹ, tức sáng nay theo giờ Việt Nam. Trước đó, thoả thuận đình chỉ trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD cho tới tháng 1/2025 đã được Hạ viện Mỹ thông qua trong một cuộc bro phiếu vào ngày thứ Năm.
“Tôi vẫn ở phe thận trọng, nhưng tôi cũng nhận thấy có một vài chất xúc tác có thể giúp nâng đỡ thị trường trong một khoảng thời gian. Phần lớn mọi người sẽ nghiêng về kịch bản hạ cánh mềm, nhưng kịch bản chính của tôi vẫn là có suy thoái xảy ra trong một vài quý tới”, Giám đốc đầu tư Jimmy Chang của Rockerfeller Global Family Office nhận định.
Đóng góp quan trọng vào phiên tăng này của S&P 500 là cổ phiếu Nvdia với mức tăng 5,1%. Dù vậy, đợt tăng giá cổ phiếu của hãng sản xuất con chip này dựa trên dự báo rằng doanh thu từ chip dùng cho công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn chưa đủ để Nvidia đạt ngưỡng giá trị vốn hoá thị trường 1 nghìn tỷ USD một cách chắc chắn.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,68 USD/thùng, tương đương tăng 2,3%, chốt ở 74,65 USD//thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2,01 USD/thùng, tương đương tăng 3%, chốt ở 70,1 USD/thùng.
Đây là phiên tăng giá mạnh nhất của dầu WTI kể từ ngày 5/5 và của dầu Brent kể từ hôm 17/5.
Lạc quan mới trong kỳ vọng lãi suất và những bước tiến của thoả thuận trần nợ là những chất xúc tác chính của giá dầu trong phiên tăng này. Trước đó, giá của hai loại dầu đã giảm hai phiên liên tiếp vì nỗi lo lãi suất tăng có thể gây suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Giới đầu tư dầu lửa đang chuyển hướng chú ý sang cuộc họp vào ngày 4/6 của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga, tức nhóm OPEC+.
“Cuộc họp của OPEC+ vào cuối tuần này có thể dẫn tới một số thận trọng về giá dầu, nhất là sau khi Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Saudi Arabia gần đây đã cảnh báo ‘chờ xem’”, nhà phân tích Craig Erlam của Oanda phát biểu.
Nguồn tin từ OPEC+ nói với Reuters rằng ít có khả năng liên minh này đưa ra quyết định cắt giảm thêm sản lượng trong cuộc họp vào ngày Chủ nhật. Tuy nhiên, một số nhà phân tích duy trì quan điểm cho rằng OPEC+ vẫn có thể hành động như vậy, vì các chỉ báo về nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc và Mỹ trong mấy tuần gần đây ít nhiều gây thất vọng.
Nhà phân tích Peter McNally của công ty Third Bridge không loại trừ khả năng OPEC+ có thể hành động quyết liệt để bảo vệ giá dầu. “Thị trường đang giằng co giữa các yếu tố mang tính mùa vụ và những yếu tố mang tính chu kỳ. Chúng tôi đang chờ xem liệu nhu cầu dầu của các nước phát triển trong mùa hè này sẽ như thế nào, trong khi sự phục hồi mang tính chu kỳ của nhu cầu ở Trung Quốc đang tương đối chật vật. Đây sẽ là những yếu tố quyết định chính sách của OPEC+ có hiệu quả như ra sao”, ông McNally nói./.