Chuyển đổi số vội vàng kiểu “ăn xổi” dễ tiền mất, tật mang
VOV.VN - Lựa chọn cách thức chuyển đổi số như thế nào, lựa chọn đối tác hỗ trợ ra sao cho hiệu quả thực chất lại là câu chuyện không dễ…
Thời gian qua, khi phản ánh, phân tích các vấn đề chuyển đổi số, các phương tiện truyền thông thường khẳng định “Chuyển đổi số không còn là xu thế. Hoạt động này càng sớm và hiệu quả, càng cho thấy năng lực quản trị kinh doanh, định vị giá trị-thương hiệu doanh nhân, doanh nghiệp (DN), đặc biệt trong giai đoạn Covid 19 tác động đa chiều”. Đó là thực tế, nhưng không đồng nghĩa bất kỳ DN, doanh nhân nào muốn chuyển đổi số cũng có thể thực hiện được ngay và hiệu quả tức thì.
Foodhub là một ứng dụng thông minh dựa trên nền tảng internet - giúp kết nối các cửa hàng thực phẩm sạch với người tiêu dùng. Từ khâu lựa chọn cho tới lúc nhận sản phẩm và thanh toán tiền, người tiêu dùng chỉ cần vài cú click chuột là hoàn tất đơn hàng, bất kể sản phẩm được bán ở vùng, miền nào quanh Thủ đô Hà Nội. Đây là ví dụ điển hình của giao thương hạn chế tiếp xúc - là câu chuyện dễ hiểu về chuyển đổi số.
Thế nhưng, như chia sẻ của anh Nguyễn Xuân Vinh – Giám đốc điều hành Foodhub, để có được 1 kênh kết nối hữu hiệu, được nhiều người sử dụng như hiện nay, công ty này đã trải qua giai đoạn tương đối khó khăn, tiền mất-tật mang… cũng chỉ vì chuyển đổi số vội vàng.
Ông Vinh chia sẻ, khi Foodhub trang bị công cụ cho 1 chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, kì vọng đội ngũ nhân sự có sự hiểu biết nhất định về ngành thực phẩm cũng như có thể áp dụng công nghệ nhanh chóng. Tuy nhiên, hệ thống cửa hàng thường được thiết kế vận hành theo mô hình truyền thống, chuyên bán hàng offline, nên khi chuyển các đơn hàng online tới cho đội ngũ nhân sự, họ hoàn toàn không hiểu biết được để vận dụng hệ thống công nghệ để giải quyết các nhu cầu mới.
Chính vì vậy, hiệu quả đơn hàng của Foodhub thường rất thấp, không đạt được kỳ vọng để giúp khách hàng hài lòng khi mua sắm online như mua sắm trực tiếp. Do đó, Foodhub lại phải xây dựng 1 nền tảng mới để khi 2 hành vi này sát lại gần nhau thì công cuộc chuyển đổi số này mới thỏa mãn kỳ vọng.
“Năm vừa rồi Foodhub cung cấp giải pháp công nghệ bán hàng cho khoảng vài trăm đối tác, cuối cùng chỉ khoảng 3 - 4 đối tác vận dụng được, còn lại chỉ dừng ở mức có nhu cầu, có sự đầu tư, không thì các DN vừa và nhỏ thường mất khoảng khoảng vài chục, vài trăm triệu mà cuối cùng không có hiệu quả”, ông Vinh nói.
Câu chuyện thực tế của doanh nhân trẻ Nguyễn Xuân Vinh cho thấy, chuyển đổi số là xu hướng không thể đảo ngược. Tiếp cận hoạt động này càng sớm và hiệu quả, càng cho thấy năng lực quản trị kinh doanh, định vị giá trị-thương hiệu doanh nhân, DN, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19 tác động đa chiều. Nói vậy không có nghĩa cứ doanh nghiệp-tổ chức-cơ quan nào muốn thực hiện chuyển đổi số cũng có thể triển khai ngay và đạt hiệu quả tức thì.
Ông Nguyễn Quang Minh – Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ thông tin Đông Nam Á (SEATECH) đồng thuận quan điểm này và khẳng định, hiện nay toàn nền kinh tế đều đang mong muốn chuyển đổi số, không kể đó là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ hay doanh nghiệp lớn. Thị trường cũng có rất nhiều doanh nghiệp quảng bá các gói giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số cho mọi đối tượng-quy mô. Tuy nhiên, lựa chọn cách thức chuyển đổi số như thế nào, lựa chọn đối tác hỗ trợ ra sao cho hiệu quả thực chất là chuyện không dễ.
“Để chuyển đổi số phải xác định được đối tượng người dùng: 1 là người sử dụng nội bộ; 2 là khách hàng. Khi đã xác định được sẽ biết nên chuyển đổi số thành phần nào trước và sau. Với nhóm DN nhỏ và vừa, nên chuyển đổi số ở khía cạnh tự động hóa nhập liệu, ví dụ trước đây khi làm việc không số hóa dữ liệu phân tán rất nhiều nên giờ cần nhập liệu tự động. Thứ 2 là tính bài toán khai thác, chia sẻ dữ liệu đó như thế nào, với ai, sau đó tính đến xây dựng quy trình gì để cập nhật, khai thác, chia sẻ dữ liệu đó, xử lý dữ liệu bằng những nghiệp vụ cụ thể của từng DN”, ông Minh cho biết.
Là một trong những DN nổi tiếng toàn cầu ở lĩnh vực công nghệ, Tập đoàn IBM cũng đang nỗ lực chuyển đổi số toàn phần, đồng thời hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các đối tác quy mô nhỏ hơn. Ông Ngô Thanh Hiền – Giám đốc giải pháp đám mây và tự động hóa, IBM chi nhánh Việt Nam khẳng định, mỗi đối tác có kinh nghiệm nghiệp vụ tốt sẽ giúp các doanh nghiệp chuyển đối số theo cách thức riêng.
Tuy nhiên, một tiến trình chung là DN thực hiện chuyển đổi sẽ tìm hiểu kỹ nghiệp vụ của DN đang cần chuyển đổi, để xây dựng hệ thống ứng dụng phù hợp - đảm bảo nhân sự tiếp nhận công cuộc chuyển giao này có thể sớm triển khai hiệu quả trong thực tế. “Bất kỳ quá trình chuyển đổi số nào, DN nào cũng sẽ giúp các DN nhỏ tiết giảm chi phí, quản lý tập trung giấy tờ văn bản vào ra của DN, giúp DN bố trí những người có kinh nghiệm vào những công việc quan trọng hơn”, ông Hiền lưu ý.
Nói như vậy có nghĩa là trước khi tiến hành chuyển đổi số, các DN mà đặc biệt là DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa phải lựa chọn được đối tác hỗ trợ công cuộc này là DN thực sự hiểu biết về công nghệ, hoặc DN dám ký cam kết đồng hành - giúp DN hoàn thành mục tiêu sớm, hiệu quả.
Hoạt động chuyển giao kỹ thuật số tưởng rất đơn giản trong giai đoạn hiện tại lại không thể triển khai vội vàng-ăn xổi. Đó cần là hoạt động đầu tư bàn bản và phải bắt nguồn tự sự hiểu biết - tầm nhìn của người đứng đầu và năng lực nội tại của nhân sự DN cần chuyển đổi số, nếu không muốn tiền mất, tật mang./.