Chuyển nhượng đất “ngầm” vẫn diễn ra ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc
VOV.VN - Theo Báo cáo của Chính phủ, tình trạng chuyển nhượng đất "ngầm" vẫn diễn ra ở các khu vực dự kiến thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ vừa có báo cáo tình hình quản lý và sử dụng đất tại các địa phương dự kiến thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc).
Do chưa quyết liệt trong xử lý vi phạm, tình trạng chuyển nhượng "ngầm", lấn chiếm, mua bán đất trái phép tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc vẫn còn diễn biến phức tạp. (Ảnh minh họa: KT) |
Báo cáo nêu rõ, từ khi có thông tin về việc chuẩn bị thành lập 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), tình hình chuyển nhượng đất đai ở các địa phương này tăng đáng kể.
Tại huyện Vạn Ninh, năm 2017 có 1.467 trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) với tổng diện tích 258,8 ha và 215 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất. Trong 4 tháng đầu năm 2018 tăng mạnh với 1.859 trường hợp chuyển nhượng QSDĐ với diện tích 356 ha và 162 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất.
Tại huyện Vân Đồn, năm 2016 có 684 trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng QSDĐ. Con số này tăng lên 1.625 trường hợp trong năm 2017 và 519 trường hợp trong quý I/2018.
Còn tại huyện Phú Quốc, từ ngày 1/1/2017 đến ngày 30/4/2018 có 5 tổ chức nhận chuyển nhượng QSDĐ với tổng diện tích 8,5 ha; 12.268 hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng QSDĐ, với tổng diện tích 699,96 ha.
Theo chương trình chất vấn của Quốc hội, chiều nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà sẽ ngồi "ghế nóng" trả lời về công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (Ảnh: Quochoi.vn) |
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; Các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long./.