Cơ cấu ngân sách nhà nước vẫn chưa ổn định và thiếu bền vững
VOV.VN - Nợ công đã giảm về mức 58,4%, tuy nhiên thu ngân sách đang giảm trong khi chi tiêu công vẫn ở mức cao, điều này đang đe doạ tính bền vững của NSNN.
Thu ngân sách Trung ương đang giảm
Báo cáo về đánh giá tình hình ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 cho thấy, năm 2018, tổng thu NSNN vượt khá, tăng tới 8% so với dự toán, cao hơn mức tăng trưởng GDP. Tỷ trọng huy động ngân sách bình quân của 3 năm 2016 - 2018 đạt 24,5% GDP, trong đó tỷ trọng thu từ thuế và phí là 21,2% GDP, đều đạt mục tiêu đề ra tương ứng là trên 23,5% và khoảng 21,5%. Những tháng đầu năm 2019, NSNN liên tục thặng dư.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, qua 3 năm thực hiện tái cơ cấu, Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu, tạo tiền đề để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Việt Nam đã phục hồi tỷ lệ động viên vào ngân sách từ mức 21% - 22% GDP lên mức bình quân gần 24% GDP. Cơ cấu thu chuyển dịch quan trọng, thu từ sản xuất, kinh doanh, từ thuế phí đã đạt hơn 80% tổng thu ngân sách. Trong cơ cấu chi NSNN, Việt Nam đã kiên định giảm bội chi từ trên 5% GDP vào năm 2015 xuống còn 2,74% GDP năm 2017, phấn đấu đến năm 2020 khoảng 3% GDP.
Cơ cấu ngân sách nhà nước vẫn chưa ổn định và thiếu bền vững (Ảnh minh hoạ: KT) |
“Nợ công đã giảm từ 63,8% GDP đến nay còn 58,4% GDP và xu hướng đang giảm xuống vững chắc. Trong tổng nợ công đã cơ cấu lại, kỳ hạn nợ dài hơn, bình quân trên 12 năm, lãi suất chỉ còn 4,2% - 4,5%/năm. Đây là tỷ lệ hợp lý cơ cấu lại nợ công”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay.
Tuy nhiên, theo Báo cáo đánh giá kinh tế thường niên 2018 của nhóm nghiên cứu trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội lại cho thấy, quy mô thu ngân sách của Việt Nam vẫn cao hơn tương đối so với các quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp như các nước ASEAN.
“Quy mô thu ngân sách cao ảnh hưởng đến tiết kiệm của khu vực tư nhân, làm giảm đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của khu vực này. Hơn nữa, quy mô thu ngân sách cao của Việt Nam còn bất lợi là Chính phủ còn ít không gian để có thể thâm hụt ngân sách qua tăng thuế”, PGS. TS. Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội nhận định.
Theo PGS. Tô Trung Thành, cơ cấu theo sắc thuế cho thấy thu NSNN đến từ 3 nguồn thu chính là thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế trên hàng hoá xuất nhập khẩu (gồm thuế xuất nhập khẩu, thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt trên hàng nhập khẩu). Tuy nhiên, số thu thuế với hoạt động xuất nhập khẩu đã giảm nhanh và sẽ tiếp tục giảm đi khi Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết với WTO cũng như các hiệp định thương mại tự do khác.
Bên cạnh đó, cơ cấu theo nguồn cho thấy, số thu NSNN từ hoạt động sản xuất kinh doanh nội địa hiện đang là nguồn thu đóng góp chính vào NSNN cũng như có tốc độ tăng lớn nhất trong số các khoản thu. Vai trò tăng lên của thu nội địa cho thấy thâm hụt ngân sách có nguy cơ tăng khi kinh tế gặp khó khăn, theo đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững của thu NSNN.
“Trong thu nội địa có một nhóm các khoản thu giữ vai trò rất quan trọng là thu từ nhà đất (13,8% trung bình giai đoạn 2016-2018), tuy nhiên chiếm tỷ lệ cao nhất trong nhóm này lại là một khoản thu có tính chất một lần là thu từ chuyển giao quyền sử dụng đất. Khi thu NSNN phụ thuộc nhiều vào các nguồn tài nguyên không thể tái tạo thì nền kinh tế dễ bị rơi vào một tình trạng được gọi là ‘căn bệnh Hà Lan’”, PGS. Tô Trung Thành nói.
Chi tiêu công vẫn ở mức cao
Mặc dù tốc độ tăng chi cân đối NSNN trong 5 năm gần đây đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước, tuy nhiên quy mô chi tiêu công vẫn còn ở mức khá cao. Năm 2018, chi cân đối NSNN theo dự toán của Quốc hội khoảng 28,2% GDP. So sánh quốc tế cho thấy, Việt Nam đang chi tiêu từ NSNN cao hơn trung bình các nước đang phát triển có cùng trình độ và lớn nhất khu vực ASEAN.
Trong khi đó, khoản chi lớn nhất trong chi NSNN là chi thường xuyên, chi cho bộ máy nhà nước. Trong tổng chi cân đối NSNN, chi thường xuyên đã liên tục cao khoảng 70% kể từ năm 2008. Bên cạnh đó, một trong những khoản chi có chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng chi NSNN là chi trả
nợ (gồm cả lãi và gốc). Với nhiều khoản vay từ những năm 1990 đến nay đã bắt đầu tới hạn trả nợ, do vậy, hàng năm số nợ phải trả đã chiếm tỷ trọng khoảng 10-12% tổng chi NSNN.
“Về xu thế, số nợ này sẽ tăng dần lên trong những năm tới và đó cũng có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến tính bền vững của NSNN trong tương lai”, PGS. Tô Trung Thành lo ngại.
Để đảm bảo tính bền vững của NSNN, PGS. Tô Trung Thành cho rằng, Chính phủ cần nhanh chóng cải thiện tổng cung cả ngắn hạn và dài hạn của nền kinh tế, theo đó, một mặt tăng được mức sản lượng tiềm năng, đóng góp vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ đó gia tăng năng suất, hiệu quả và chất lượng tăng trưởng. Mặt khác, gia tăng được dư địa chính sách, tạo cơ hội gia tăng hiệu lực của các chính sách vĩ mô.
“Cải cách hệ thống thuế nhằm giảm bớt gánh nặng thuế khoá, tạo nguồn thu ngân sách ổn định và cân bằng cần được coi là quan điểm chủ đạo trong các chính sách về thu ngân sách. Bên cạnh đó, cần cơ cấu lại chi NSNN theo hướng ổn định và gia tăng hiệu quả đầu tư phát triển, chỉ bố trí chi NSNN cho những công trình thật sự cần thiết, có hiệu quả. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ đầu tư công nhằm chống dàn trải, lãng phí, thất thoát, tham nhũng”, PGS. Tô Trung Thành khuyến cáo.
Còn theo ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính, trong thời gian tới, các chính sách tài chính phải góp phần ổn định vĩ mô, nâng cao sức cạnh tranh; thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, môi trường; đồng thời tạo dư địa tài khóa để xử lý các rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia.
Vụ trưởng Vụ NSNN cho rằng, cần kiểm soát quy mô chi trong phạm vi khả năng nguồn lực của nền kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển và hội nhập của đất nước; ưu tiên xử lý các bất cập trong quản lý vốn đầu tư công, khắc phục các vấn đề phân bổ dàn trải, chậm, giải ngân không đạt kế hoạch, chuyển nguồn kéo dài.
Ngoài ra, cần tăng cường xã hội hoá việc cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công trên cơ sở hoàn thiện cơ chế chính sách và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong việc cung cấp dịch vụ công giữa các đơn vị, tổ chức thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, trong việc tiếp cận nguồn kinh phí NSNN cho phát triển dịch vụ sự nghiệp công… ./.