Cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam giảm phụ thuộc
VOV.VN - Dịch Covid-19 bùng phát, phơi bày những điểm yếu cố hữu của kinh tế thế giới và Việt Nam là sự quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của nhiều nước trên toàn thế giới với tổng kim ngạch đạt 1.758 tỷ USD cuối năm 2006. Đứng thứ 2 trên thế giới sau Mỹ, GDP là 13.1 ngàn tỷ USD.
Theo ước tính của Nikkei Asian Review và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản, nếu sản lượng chế tạo của Trung Quốc giảm 10 tỷ USD, thì phần sản lượng còn lại của thế giới sẽ giảm 6,7 tỷ USD.
Tờ The Guardian (Anh) đã đưa ra thống kê, trong số 800 nhà cung cấp của Apple, có 290 nhà cung cấp ở Trung Quốc, Trung Quốc chiếm 9% sản lượng TV trên toàn cầu; 50% ngành sản xuất của Vũ Hán có liên quan đến ngành công nghiệp ô tô, 25% liên quan đến các nguồn cung công nghệ khác trong khu vực. Nhiều công ty toàn cầu dựa vào các nhà cung cấp của Trung Quốc và vì vậy nhiều doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất trên thế giới chịu tác động khi Trung Quốc ngừng sản xuất.
Kinh tế toàn cầu lao đao
Hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng của nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hãng xe lớn nhất Hàn Quốc là Hyundai đã thông báo dừng tất cả các dây chuyền lắp ráp xe trong nước do thiếu nguồn cung linh kiện từ Trung Quốc.
Doanh nghiệp dệt may đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu. |
Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã bắt đầu giảm nhịp độ sản xuất như Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus của châu Âu, hãng xe điện Tesla hay tập đoàn Apple của Mỹ. Google, IKEA… lần lượt thông báo “tạm đóng cửa” các chi nhánh tại Trung Quốc. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ họp khẩn vì thị trường lớn nhất là Trung Quốc tạm thời bị “đóng băng”.
Trước đây, Nhật Bản là nước phụ thuộc nhiều vào thương mại với Mỹ đến nỗi các chuyên gia từng ví von: khi Mỹ hắt hơi, Nhật Bản sẽ sổ mũi. Nhưng hiện nay, sự phụ thuộc này đang nghiêng về phía Trung Quốc. Giá trị trao đổi thương mại của Nhật Bản với Trung Quốc đã tăng lên 22% tổng kim ngạch thương mại, cao hơn so với Mỹ.
Sự gián đoạn trong hoạt động cung ứng nguồn sản phẩm hoặc phụ tùng từ Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đối với riêng các doanh nghiệp lớn mà nhiều doanh nghiệp nhỏ trên thế giới cũng bị ảnh hưởng. Dịch Covid-19 cho thấy mô hình kinh tế toàn cầu đang lệ thuộc quá nhiều vào cỗ máy sản xuất của Trung Quốc. Việc Trung Quốc bị ngừng trệ sản xuất đã ảnh hưởng đến dây chuyền cung ứng và sản xuất của thế giới.
Đình trệ vì lệ thuộc
Như vậy có thể nói, kinh tế Trung Quốc tổn thất nặng nề do tác động của dịch Covid-19 thì hầu như các nước khác trên toàn thế giới đều bị tổn thương. Và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương vừa có báo cáo về tác động của dịch Covid-19 đến một số ngành sản xuất của Việt Nam. Báo cáo cho thấy, các doanh nghiệp (DN) sản xuất của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu rất lớn ngay trong quý I này.
Báo cáo nêu rõ, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Những ngành hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất là: điện - điện tử, dệt may và da giày, sản xuất, lắp ráp ô tô.
Cụ thể, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 11,52 tỷ USD hàng dệt may, da giày từ Trung Quốc, chiếm 47,74% tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này của Việt Nam. Tương tự, Trung Quốc là đối tác lớn nhất cung cấp hóa chất và sản phẩm từ hóa chất; chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo cho Việt Nam, đạt lần lượt 3,23 tỷ USD (chiếm 30,6% tổng kim ngạch mặt hàng này) và 3,99 tỷ USD (chiếm 25,7% tổng kim ngạch mặt hàng này).
Ngành điện - điện tử, theo Cục Công nghiệp, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 13,8 tỷ USD (chiếm 34%).
“Đến thời điểm này, các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ lượng linh phụ kiện phục vụ cho sản xuất trong khoảng đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020”, đại diện Cục Công nghiệp cho biết.
Cùng chung cảnh ngộ, đa số DN ngành dệt may và da giày có đến 60% các linh kiện từ vải đến cái cúc áo, sợi chỉ, cây kim… đều nhập từ Trung Quốc và nguyên phụ liệu dự trữ cũng chỉ đủ dùng tới giữa tháng 3/2020 hoặc đầu tháng 4/2020.
Theo đại diện Công ty May 10, 60-70% nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam nhập từ Trung Quốc. Do đó, khả năng nhiều DN phải tạm ngừng sản xuất là rất lớn. Điều này cho thấy một số ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc.
Giảm bớt sự phụ thuộc
Như vậy, nhiều ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu, dẫn tới phải đóng cửa, ngừng sản xuất. Theo các chuyên gia kinh tế, việc quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc đã tạo thành rủi ro đối với các doanh nghiệp Việt khi nguồn cung này bị gián đoạn. Và dịch bệnh như một “liều thuốc thử” để biết được sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam thế nào. Thông qua dịch có thể biết được điểm mạnh, điểm yếu, thách thức và cả cơ hội của DN Việt.
Việc quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc đã tạo thành rủi ro đối với các doanh nghiệp Việt. |
Nhiều chuyên gia nhận định, thời gian qua Nhà nước đã áp dụng phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ. Nhờ đó, công cuộc đổi mới của Việt Nam đã có những thành công và nhanh chóng đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng nghèovà lạc hậu trước đó.
Tuy nhiên, sau khi Việt Nam đã tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, thì dường như Việt Nam có phần nào lãng quên yêu cầu về đa phương hóa, đa dạng hóa trong các quan hệ kinh tế. Vì thế, Việt Nam càng hội nhập thì lại càng phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc. Một trong những tác động đầu tiên do phụ thuộc là việc thiếu vật liệu để sản xuất khẩu trang ngay đầu mùa dịch Covid-19. Tiếp theo, là trái cây và nông phẩm tiếp tục ùn ứ ở cửa khẩu phụ Tân Thanh và Cốc Nam - tỉnh Lạng Sơn và lối mở Km3+4 trong những ngày gần đây.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, đây là một nghịch lý rất đáng ngại vì đáng lẽ khi mở cửa thị trường, quan hệ với nhiều nước, thì việc phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ phải giảm, nhưng với Việt Nam thì sự phụ thuộc vào Trung Quốc tăng lên, đó là điều đáng ngại.
Song chuyên gia này cũng có cái nhìn lạc quan khi kỳ vọng đây là cơ hội và thời điểm để Việt Nam tái cấu trúc, tổ chức lại nền kinh tế, thương mại, đầu tư của mình để đa dạng hóa, đa phương hóa tốt hơn, đem lại cân bằng bền vững cho nền kinh tế và phát triển của đất nước. Dịch Covid-19 là cơ hội để Việt Nam tránh được sự quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, tìm ra những nguồn cung cấp mới về nguyên liệu, đầu ra cho nông sản.
Để biến kỳ vọng thành hiện thực
Những kỳ vọng này không phải không có cơ sở khi nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia đã và đang tìm đến Việt Nam như một nơi lý tưởng để phát triển sản xuất. Mới đây, nhà sản xuất thiết bị ngành xây dựng Komatsu cho biết, đang dịch chuyển sản xuất các bộ phận bằng kim khí và bó cáp từ Trung Quốc sang Nhật và Việt Nam, tương tự nhà sản xuất trang phục thể thao Asics nghĩ đến việc chuyển từ Vũ Hán sang Việt Nam và Indonesia. Các chuyên gia đánh giá, đây sẽ là một bước ngoặt cho Việt Nam khi nhiều công ty buộc phải đa dạng hóa nguồn cung.
Để đối phó với tình trạng phụ thuộc này, một số doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có lĩnh vực dệt may, đang nghiên cứu nhập khẩu vật liệu từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Brazil để tránh phụ thuộc vào khối lượng nhập khẩu rất lớn từ Trung Quốc. Trong chuyến công du Ấn Độ mới đây, thứ trưởng bộ Công Thương Việt Nam Cao Quốc Hùng đã đề nghị New Delhi tăng khối lượng nhập khẩu trái cây, cá nuôi và vải của Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc khuyến khích các DN trong nước chủ động tìm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu thay thế tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa của Việt Nam. Việt Nam cần có chiến lược và giải pháp dài hạn nhằm phát triển ngành công nghiệp trong nước, tránh bị lệ thuộc vào các yếu tố nước ngoài. Nhất là chú trọng đến các ngành công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép, vải, vật liệu mới nhằm giảm tối thiệu sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu, tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ tín dụng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới, sáng tạo và phát triển thị trường cũng như nhiều ưu đãi thuế và đất đai.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đã điều chỉnh, bổ sung chương trình xúc tiến thương mại quốc gia để tìm kiếm các thị trường mới, trong đó có các thị trường nhập khẩu nguyên liệu thay thế cho nguyên liệu đang phải nhập khẩu từ Trung Quốc. “Tôi cho rằng khó khăn, thách thức cũng luôn song hành cùng cơ hội, đây là lúc các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa và triển khai thực chất hơn chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa, cơ cấu lại thị trường, đối tác…
Qua đó hạn chế rủi ro, giảm bớt sự quá phụ thuộc vào chỉ một hoặc một vài thị trường trọng điểm. Xây dựng được một nền kinh tế độc lập tự chủ, ít phụ thuộc hơn, nâng cao khả năng chống và thích ứng với các biến động. Khơi dậy nội lực trong nước, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng hàng hóa trong nước; khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phát triển”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói./.