Có nên buộc giao dịch tiền ảo Bitcoin qua sàn tập trung?
VOV.VN - Có ý kiến cho rằng nên buộc tiền ảo Bitcoin giao dịch qua sàn giao dịch tập trung để nhà nước giám sát, thu thuế và kiểm soát tội phạm lừa đảo...
Theo ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty chứng khoán SSI, giá của đồng tiền ảo Bitcoin chỉ xuống trong ngắn hạn rồi lại quay đầu tăng trở lại. Mặc dù vậy, nhiều nước, nhiều tổ chức tài chính không công nhận Bitcoin, thậm chí một số nơi còn coi giao dịch Bitcoin là bất hợp pháp.
Tiền ảo Bitcoin hiện đang trở nên phổ biến dù tại nhiều quốc gia, đồng tiền này vẫn chưa được chấp nhận (Ảnh minh họa: KT) |
Cần sớm có khung pháp lý thừa nhận Bitcoin
Chia sẻ trên Bizlive, ông Nguyễn Duy Hưng nêu quan điểm, Việt Nam cần sớm bắt buộc tiền ảo Bitcoin giao dịch qua sàn giao dịch tập trung để nhà nước giám sát và thu thuế, cũng như kiểm soát các nhóm tội phạm lừa đảo...
"Nhìn vào sự tăng giá phi mã thời gian qua của Bitcoin chúng ta chỉ có thể đưa ra kết luận là cầu Bitcoin đang lớn hơn cung rất nhiều, càng ngày càng nhiều người quan tâm mua Bitcoin và coi Bitcoin là dạng tài sản đầu tư và khi người ta có thể mua được thì có nghĩa là người ta có thể bán được mặc dù những thông tin về Bitcoin là rất tù mù. Điều này thực sự thách thức nhiều quốc gia đặc biệt là những quốc gia có các quy định về kiểm soát ngoại hối chặt như nước ta", ông Hưng lưu ý.
Chủ tịch SSI cho hay, trên thực tế, Bitcoin vẫn tồn tại độc lập, các quốc gia hay các tổ chức tài chính cũng chỉ có quyền duy nhất là chấp nhận hay phủ nhận thẩm quyền của mình. Bên cạnh đó, giá trị quy đổi sang tiền của Bitcoin tại thời điểm tháng 8/2017 lên tới 71 tỷ USD. Các quốc gia đầu tiên cho phép giao dịch Bitcoin là Mỹ, Nhật, Thụy Điển.
Gần đây, giá Bitcoin lao dốc mạnh, đặc biệt sau khi Trung Quốc không công nhận sự hợp pháp của các hoạt động chào bán tiền ảo lần đầu (ICO). Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc còn tuyên bố đóng cửa sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất Trung Quốc - BTC China.
Theo NHNN, tiền ảo được xem xét quản lý dưới ba góc độ: tiền tệ, phương tiện thanh toán; tài sản ảo; hàng hóa (khi được đưa vào giao dịch trao đổi, chuyển nhượng, mua, bán...). Qua nghiên cứu, NHNN cho biết, hầu hết các quốc gia không chấp nhận tiền ảo là tiền tệ, phương tiện thanh toán hợp pháp.
Mặc dù mang tên là "tiền ảo", người sở hữu vẫn có thể chuyển thành tiền thực, nhưng xem ra cho phép hay không cho phép, chấp nhận hay không chấp nhận là quyền của mỗi quốc gia nhưng Bitcoin vẫn đang tồn tại trong đời sống thực.
Trên quan điểm cá nhân, Chủ tịch SSI cho rằng, Việt Nam cần sớm có khung pháp lý thừa nhận Bitcoin là một loại hàng hoá và bắt buộc giao dịch qua sàn giao dịch tập trung để nhà nước giám sát và thu thuế cũng như kiểm soát các nhóm tội phạm lừa đảo lợi dụng sự hiếu kỳ cũng như nhu cầu đầu tư thật của người dân.
"Nếu chúng ta nhìn nhận Bitcoin và Ethereum ở khía cạnh công nghệ thì những tin tức xấu gần đây sẽ không gây ảnh hưởng đến chúng. Các thợ đào vẫn sẽ tiếp tục đào coin, các nhà phát triển sẽ tiếp tục tạo ra những mã code và chương trình thú vị. Tài sản số là sáng kiến mang tính toàn cầu và hệ sinh thái của chúng vẫn tồn tại", ông Hưng nêu ý kiến.
“Vận may số” của những thợ đào mỏ Bitcoin lớn nhất thế giới
"Số phận" Bitcoin vẫn chưa được định đoạt
Vneconomy đưa tin, ông Jamie Dimon - Giám đốc điều hành (CEO) ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase tuyên bố rằng sẽ sa thải bất kỳ nhân viên nào giao dịch tiền ảo Bitcoin và gọi hành vi đó là "ngu ngốc".
Ông Dimon cũng phát biểu tại một hội thảo nhà đầu tư tổ chức ở New York rằng: "Tiền ảo sẽ không có kết cục tốt". Ngoài ra, ông cũng dự báo rằng rốt cục bong bóng tiền ảo sẽ vỡ tung.
Nói thêm về điều này, CEO của JPMorgan Chase cũng đã dứt khoát tuyên bố rằng, nếu một nhà giao dịch của ngân hàng này bị phát hiện giao dịch Bitcoin thì ông sẽ đuổi việc ngay vì hai lý do: việc đó trái quy định, và họ là kẻ ngu ngốc.
Chia sẻ trên Chinhphu.vn, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tiền điện tử nên được chấp nhận như một loại hàng hóa. Tức là không cho phép thanh toán để mua hàng hóa, tài sản khác, nhưng có thể chấp nhận việc những người chơi giao dịch, trao đổi với nhau.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, giá trị một đồng Bitcoin hiện tại lên tới vài ngàn USD từ mức khởi đầu dưới 1 USD khoảng chục năm trước và trong tương lai có thể giá trị này sẽ còn tăng lên nữa.
Tính chất khan hiếm do việc đào được một đồng Bitcoin không phải là chuyện dễ, phải qua các công thức, thuật toán rất phức tạp và có những máy điện toán mạnh để đào được tiền, vì thế nguồn cung của nó hạn hẹp và trong khi mức cầu càng tăng, đẩy giá trị mỗi Bitcoin lên tới hàng nghìn USD.
Đối với tiền ảo, tài sản ảo, vị chuyên gia đưa ra hai hướng để thực hiện: Thứ nhất là cấm, coi đây là một loại tiền mang tính lừa đảo, và thứ hai là chấp nhận và coi nó là một sản phẩm, một loại "hàng hoá".
"Nếu sử dụng biện pháp cấm thì dĩ nhiên những người chơi sẽ được coi là vi phạm pháp luật, như vậy trên danh nghĩa chúng ta có thể kiểm soát được sự bành trướng của nó, nhất là không cho phép đồng tiền này được sử dụng như một công cụ phục vụ cho các hành vi phi pháp, tham nhũng và rửa tiền", TS. Hiếu phân tích.
Tuy nhiên, trên thực tế, nếu cấm đoán thì các giao dịch này thay vì công khai sẽ đi vào hệ thông ngầm, khi đó lại càng khó khăn hơn trong việc quản lý, vì tiền điện tử không có hình thái như đồng tiền thông thường mà chỉ tồn tại trên hệ thống máy tính.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm: "Tuy tiền điện tử mang tính chất giao dịch như tiền nhưng không thể chấp nhận là phương tiện thanh toán như tiền hợp pháp trong quốc gia được. Vì thế, tôi nghiêng về hướng chấp nhận nó như một sản phẩm trừu tượng".
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo… Theo đó, các bộ ngành sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện văn bản, khung pháp lý hiện tại để sửa đổi, xây dựng quy định pháp luật về quản lý với những loại hình này./.