Có nên ồ ạt bổ sung quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ ở Tây Bắc?
VOV.VN - Những gì đang diễn ra ở các tỉnh miền núi Tây Bắc rất cần các Bộ ngành chức năng có biện pháp kiên quyết, không phê duyệt quy hoạch đầu tư ồ ạt thủy điện
Không thể phủ nhận những đóng góp của thủy điện vừa và nhỏ cho nguồn thu ngân sách các địa phương, hạ tầng kỹ thuật và điều kiện sinh hoạt, sản xuất của người dân nơi có công trình được cải thiện…Tuy nhiên, cũng không ít những dự án gây ảnh hưởng lớn đến rừng tự nhiên, đời sống dân sinh.
Trong khi Chính phủ đã có nhiều giải pháp bổ sung, điều chỉnh các quy định, chế tài để đáp ứng đầu tư phát triển thủy điện nhỏ đảm bảo hiệu quả và bền vững, thì các địa phương vẫn “lách luật” bổ sung hàng loạt công trình. Điều đáng nói, các công trình được bổ sung hay đang đề nghị hầu hết ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, hiểm trở, đi lại khó khăn, không thuận tiện cho việc đầu tư xây dựng.
Trung tâm xã Bản Hồ có tới 8 thủy điện bủa vây xung quanh. |
Đặc biệt là khả năng đấu nối rất khó khăn để truyền tải công suất, nếu thực hiện suất đầu tư sẽ rất lớn, không đạt hiệu quả kinh tế.
Trong 186 dự án thủy điện vừa và nhỏ ở Lai Châu đến nay đã có 15 dự án đã hoàn thành phát điện, 29 dự án đã khởi công xây dựng và chính quyền địa phương đang chấp thuận cho các nhà đầu tư vào khảo sát 65 dự án. Còn lại các dự án đang xin cấp phép chủ trương đầu tư và chuẩn bị bổ sung quy hoạch. Như vậy, đến nay hầu hết các sông, suối trên địa bàn tỉnh Lai Châu, nơi nào có tiềm năng xây dựng thủy điện thì đều đã có doanh nghiệp “xí phần”.
Trước vấn đề đặt ra, hiện nay địa phương đang ồ ạt đầu tư thủy điện, việc này có thể ảnh hưởng lớn tới môi trường sinh thái trên địa bàn và có hay không Lai Châu đang đánh đổi môi trường lấy kinh tế khi tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào khảo sát để đầu tư, ông Nguyễn Sỹ Chín, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lai Châu cho rằng, đầu tư bao nhiêu công trình là do địa phương, chỉ cần doanh nghiệp có nhu cầu và đủ thủ tục pháp lý là tỉnh có thể xem xét cho đầu tư vì Chính phủ cũng chưa có quy định nào chốt mỗi địa phương được làm bao nhiêu dự án, bao nhiêu MW. Chủ yếu là căn cứ vào tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, như Lai Châu có thể khó khăn về đường đi, đèo dốc thì có thuận lợi trong phát triển các dự án thủy điện.
"Số lượng bao nhiêu, công suất bao nhiêu thì tùy vào từng doanh nghiệp thuê các đơn vị tư vấn để lập các dự án. Thế còn cơ quan quản lý, khi có nội dung đề nghị của doanh nghiệp thì chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục thực hiện"- ông Chín cho hay.
Nói về tác động môi trường, ông Lê Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai cho biết, mỗi thủy điện đều có 1 đánh giá tác động môi trường, 1 quy trình vận hành hồ và 1 phương án phòng chống thiên tai riêng theo quy định.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, với mật độ thủy điện dày đặc như vậy trên các lưu vực ở Lào Cai, đặc biệt là Sa Pa thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng lớn tới cảnh quan, môi trường, du lịch và nhiều thứ khác; trong khi hiện nay chưa có một đánh giá tổng thể nào cho cả một lưu vực.
- Toàn tỉnh Lào Cai hiện có 98 thủy điện tương ứng tổng công suất hơn 1300MW. Trước mắt, UBND tỉnh Lào Cai đã chấp thuận thêm 27 dự án thủy điện vào khảo sát lập hồ sơ bổ sung quy hoạch, cùng với 33 dự án thủy điện do các doanh nghiệp đề xuất và đã được cơ quan chuyên môn đánh giá có tiềm năng đề nghị bổ sung quy hoạch.
- Tỉnh Lai Châu có 103 dự án thủy điện đã được quy hoạch, trong đó có 7 dự án có ảnh hưởng đến rừng tự nhiên.
- Tỉnh Sơn La có 65 thủy điện nhỏ đã được phê duyệt quy hoạch, trong đó 47 dự án đã phát điện. Tỉnh Sơn La cũng đã lập quy hoạch trình Bộ Công thương phê duyệt 22 dự án.
"Sở Tài nguyên đã cùng với Sở Công Thương tham mưu cho tỉnh, giao Sở Công Thương chủ trì mời một đơn vị tư vấn về đánh giá tác động liên kết, tác động lẫn nhau giữa các bậc thủy điện trên cùng lưu vực trong tỉnh" - ông Dương chia sẻ.
Bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương Sơn La cho biết, có một thực trạng là từ trước đến nay chúng ta không có nguồn lực để quy hoạch thủy điện một cách tổng thể và đã xã hội hóa việc khảo sát bổ sung quy hoạch. Cho nên dẫn đến tình trạng nhà đầu tư tự lựa chọn địa điểm nào thấy có lợi nhất, hiệu quả nhất thì đề xuất bổ sung vào quy hoạch và thực hiện trước.
Đến khi các vị trí hiệu quả hết rồi thì mới lựa chọn những vị trí ít hiệu quả hơn. Điều này dẫn đến tình trạng là không khai thác hết được tiềm năng thủy điện trên một dòng chảy, thứ hai là gây ảnh hưởng đến các dự án xung quanh và không phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội.
"Hiện nay có 22 hồ sơ đã gửi Bộ Công Thương thẩm định, chúng tôi sẽ có văn bản trình Ủy ban tỉnh gửi Bộ Công Thương đề xuất là khi thẩm định các dự án thủy điện phải đứng trên quan điểm tổng thể của một dòng sông, suối để cân nhắc nên đưa vào vị trí nào. Thứ hai là mực nước dâng của từng thủy điện như thế nào để cho hợp lý, nhất và tiến độ đầu tư nên như thế nào để không ảnh hưởng đến những dự án thủy điện đã xây dựng" - bà Doan cho biết.
Thủy điện nhỏ mọc lên như nấm ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. |
Đầu tư thủy điện theo kiểu phong trào, thấy lợi nhuận lớn thì làm trong khi không đánh giá hết tiềm lực, vốn tự có, vị trí thủy văn công trình, nguồn nước, biến đổi khí hậu… đã dẫn đến những khó khăn và hệ lụy. Rừng bị tàn phá, nguồn nước cạn kiệt, khô hạn kéo dài khiến nhiều thủy điện rơi vào tình trạng không phát được điện hoặc chỉ đạt 30-40% công suất, các doanh nghiệp đã bắt đầu phải trả giá “gậy ông, đập lưng ông”.
Còn các địa phương khó thu được thuế, người dân gánh chịu hậu quả lũ lụt về mùa mưa, mùa khô lại thiếu nước sản xuất. Vậy tại sao các tỉnh vẫn ồ ạt đề nghị bổ sung quy hoạch xây thủy điện vừa và nhỏ? Phải chăng do lợi ích trước mắt một thời vàng son của thủy điện khi nguồn nước ổn định, doanh nghiệp, địa phương đều có lợi từ “gà để trứng vàng".
Thế nhưng mọi chuyện chuyện nay đã khác, nguồn nước mùa khô như năm nay cạn kiệt, biến đổi khí hậu khôn lường thì việc xây dựng và bổ sung vào quy hoạch thủy điện cần có chọn lọc, hạn chế đầu tư ở địa bàn hiểm trở, không ảnh hưởng đến đời sống dân sinh…
Những mục tiêu này liệu các địa phương đã thực hiện nghiêm túc? Những gì đang diễn ra ở các tỉnh miền núi Tây Bắc rất cần các Bộ ngành chức năng có biện pháp kiên quyết, không phê duyệt quy hoạch đầu tư ồ ạt thủy điện vào địa bàn có nhiều ảnh hưởng về rừng, đời sống dân sinh…Bởi biến đổi khí hậu, nguồn nước mùa khô cạn kiệt, một số thủy điện vừa và nhỏ đã phải trả giá về thiếu nước phát điện đang là bài học “nhãn tiền”./.
Bài 1: Thủy điện vừa và nhỏ ở Tây Bắc: Hết thời “gà đẻ trứng vàng”
Bài 2: Vì sao người dân Tây Bắc phản đối xây dựng thủy điện vừa và nhỏ?