Còn nhiều dư địa thu hút vốn FDI Nhật Bản vào Quảng Ninh
VOV.VN - Sự có mặt của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Quảng Ninh đang ngày càng sâu rộng hơn. Dù vậy, tổng vốn FDI hiện có được nhận định vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, vì còn nhiều dư địa thu hút vốn FDI Nhật Bản vào Quảng Ninh.
Dòng vốn từ Nhật Bản luôn là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hấp dẫn đối với các địa phương tại Việt Nam. Ngày 17/11 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án của các nhà đầu tư từ Nhật Bản Castem, Parts Seiko, Tamagawa, Fujix, tổng số vốn hơn 80 triệu USD.
Ông Ozawa Kenichi, Tổng Giám đốc Dự án Tamagawa Việt Nam (sản xuất máy cảm biến cung cấp cho sản xuất ô tô với quy mô gần 14,5 triệu sản phẩm/năm) khẳng định, DN lựa chọn KCN Sông Khoai là nơi đầu tư dự án của mình tại Việt Nam là quyết định đúng đắn.
“Trong tương lai, chúng tôi cam kết tiếp tục ưu tiên đổi mới công nghệ, phát triển cùng với khách hàng. Chúng tôi rất trân trọng mối quan hệ và hợp tác lâu dài với tỉnh Quảng Ninh, mong muốn được tiếp tục nhận hỗ trợ cho Tamagawa nói riêng và các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung”, ông Ozawa Kenichi nói.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 12 dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 2,4 tỷ USD (chiếm hơn 20,5% tổng vốn đầu tư FDI toàn tỉnh), tập trung vào các lĩnh vực sản xuất điện, công nghiệp chế biến, chế tạo, nông lâm ngư nghiệp và hoạt động tư vấn quản lý…
Ưu thế của Quảng Ninh được các nhà đầu tư đánh giá cao là hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, trong đó có đường cao tốc kết nối với Hà Nội, Hải Phòng, sân bay quốc tế Vân Đồn; sở hữu cửa khẩu quốc tế; là “cầu nối” giữa Đông Bắc Á - Đông Nam Á.
Đặc biệt, các vị trí quán quân về cải cách hành chính qua nhiều năm cũng tạo cho tỉnh có lợi thế so sánh khác biệt với các địa phương khác. Quảng Ninh gây chú ý nhờ tích cực nâng cao hiệu quả trong công tác đầu tư nước ngoài, nhất là từ Nhật Bản. Tỉnh thành lập Bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản (Japan Desk) trực thuộc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư IPA, hợp tác tốt với JETRO, JICA, Japan Foundation...
Từ năm 2013 đến nay, đã có khoảng 50 đoàn các nhà đầu tư Nhật Bản tới Quảng Ninh tìm hiểu, bao gồm các tên tuổi lớn Mitsubishi, Sojitz, Sumitomo… Ông Mizuta Kazunori, Giám đốc Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng cho biết, nhà máy sản xuất thiết bị ô tô của Yazaki tại Quảng Ninh đã hoạt động ổn định từ năm 2015.
“Việc quyết định mở nhà máy ở KCN Đông Mai (TX Quảng Yên), là do Quảng Ninh đang sở hữu rất nhiều yếu tố thuận lợi, như có nhiều chính sách ưu đãi về thuế; nằm gần nhà máy chính của DN ở TP Hải Phòng; chi phí lao động và chất lượng nguồn nhân lực ưu thế hơn so với các địa phương lân cận; chất lượng hạ tầng giao thông đồng bộ và liên tục được cải thiện”, ông Mizuta Kazunori đánh giá.
Nhật Bản hiện đang đầu tư tại 57 tỉnh thành tại Việt Nam, trong đó số vốn vào những địa phương đang đứng đầu như Thanh Hoá, Hà Nội, Bình Dương đều gấp nhiều lần Quảng Ninh. Nguồn vốn FDI Nhật Bản vào Quảng Ninh được nhận định vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và cả mối quan hệ hợp tác chiến lược mà hai bên đã định hình suốt thời gian qua.
Một trong những điều khiến nhiều nhà đầu tư cân nhắc, theo chính các doanh nghiệp Nhật Bản, đó là vấn đề nguồn nhân lực. Ông Mizuta Kazunori, Giám đốc Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng cho biết thêm, hiện nhà máy tại Quảng Ninh đang có 4.000 người trong tổng số 15.000 nhân viên của toàn hệ thống.
“Trong những năm gần đây, khi nhiều công ty từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước khác đầu tư vào khu vực miền Bắc Việt Nam, việc đảm bảo nguồn nhân lực trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, khi cạnh tranh nguồn nhân lực trở nên căng thẳng, chi phí lao động cũng tăng lên, tạo áp lực lớn đối với hoạt động kinh doanh của DN. DN mong muốn xin ý kiến để cải thiện chính sách thuế thuận lợi cho người lao động, cải thiện việc cung cấp nhà ở để thu hút nhân tài”, ông Mizuta Kazunori đề xuất.
Yêu cầu của các nhà đầu tư Nhật Bản không chỉ đảm bảo về số lượng lao động, mà còn cần thu hút nhân lực chất lượng cao, biết tiếng Nhật. Thêm vào đó, hạ tầng sản xuất, đặc biệt là hạ tầng sản xuất “xanh” cũng được đánh giá chưa được cải thiện nhiều, không chỉ riêng tại Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng Giám đốc Công ty CP đô thị Amata Hạ Long - Chủ đầu tư hạ tầng KCN Sông Khoai cho biết, đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, có những yếu tố thiết yếu để họ quyết định đăng ký đầu tư. “Về hạ tầng cơ sở, không chỉ phục vụ kết nối giao thông, cảng biển còn các vấn đề khác trong quá trình hoạt động sản xuất, như các tiện ích, xử lý nước thải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, điện, nước không bị gián đoạn”, ông Nhân nhận định.
Nhật Bản hiện là một trong những thị trường ưu tiên thu hút đầu tư của Quảng Ninh. Những lĩnh vực mà tỉnh này tập trung phát triển như công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái; năng lượng sạch… đều là thế mạnh của các nhà đầu tư xứ Phù Tang.
Cùng với việc cam kết đồng hành, Quảng Ninh đã và đang nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công và các điều kiện về đầu tư, kinh doanh, thương mại, du lịch, kỳ vọng tiếp tục “đón sóng” đầu tư từ Nhật Bản mạnh mẽ hơn.